Năm 2018: Chào thua chính sách, xe ô tô nhập thoái lui, "nhường sân" cho xe nội?

(Dân trí) - Chứng kiến "phong độ" đang lên cao của hàng loạt thương hiệu xe nội địa và con sốt giảm giá nhiều loại xe thời điểm đầu năm 2018 và cận kề Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nhiều người mường tượng ra sân chơi cho xe ô tô thời gian tới sẽ dành cho xe nội. Tuy nhiên, không hẳn là vậy!

Đầu năm 2017, khi thị trường đang "lên đồng" vì giá xe nhập nhiều loại giảm hàng trăm triệu đồng/chiếc, rất nhiều thông tin thị trường xe hơi Việt sẽ do các hãng xe nhập nắm giữ, thậm chí nhiều quan điểm cho rằng: Việt Nam sẽ trở thành thị trường cho xe nhập và các hãng xe liên doanh, xe trong nước sẽ bị đẩy vào thế cạnh tranh, dồn vào bước đường cùng và chịu thua thiệt.

Năm 2018: Chào thua chính sách, xe ô tô nhập thoái lui, "nhường sân" cho xe nội? - 1

Thuế giảm từ 30% xuống 0%, giá xe giảm bao nhiêu?

Hệ quả của cơn sóng này khiến cả xe nhập, xe trong nước đều rủ nhau bước vào cuộc "đại chiếm" giảm giá. Mới đầu là các dòng xe nhập, sau đó đến các hãng xe tư nhân như Thaco - Trường Hải, Thành Công và cuối cùng là các ông lớn liên doanh vốn rất "cứng đầu" trong nhượng bộ giá xe tại Việt Nam như Toyota, Honda hay Ford cũng buộc phải ngồi vào "mâm chung": Giảm giá.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 10 trở đi, thị trường xe bắt đầu trầm lắng không còn giảm giá nhiều như trước nữa. Đến cuối năm, lượng xe hơi nhập khẩu về Việt Nam đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm và so với cùng kỳ năm 2016. Người ta bắt đầu không nói đến xe giảm giá.

Sang năm mới 2018, khi người tiêu dùng chờ ngóng xe giá rẻ, thì nhiều mẫu xe mới từ nhập khẩu đến lắp ráp trong nước lại tăng giá, gây nỗi thất vọng cho thị trường. Đơn cử như Mazda CX5, Honda CRV, Toyota Fortuner... đã tăng giá so với phiên bản cũ hoặc được đại lý báo khan hiếm hàng phải bỏ thêm tiền mới mua được xe mới.

Trong khi các hãng xe nhập tuyên bố ngừng nhập xe về Việt Nam, thì các hãng xe trong nước nhân cơ hội này tiếp tục có cuộc giảm giá. Toyota, Mazda, Kia, Mitsubishi, Chevrolet... lần lượt giảm giá xe từ vài chục triệu đồng đến mức cao nhất là 200 triệu đồng/chiếc để cạnh tranh các loại xe cùng loại.

Năm 2018, ai sẽ thống lĩnh thị trường xe Việt? Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra bởi kỳ vọng thuế xe nhập khẩu từ ASEAN về nước đang là 0%, người tiêu dùng và thị trường trông đợi vào các đợt giảm giá nhiều, mạnh tương xứng với thuế nhập xe giảm từ 30% xuống 0%.

Rủi ro chính sách, xe nhập thoái lui!?

Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, chưa có điều gì khẳng định giá xe năm nay sẽ giảm chỉ nhờ vào thuế nhập xe từ ASEAN giảm cả. "Liệu cơm gắp mắm", hay "trông giỏ bỏ thóc" là thái độ của các hãng xe với nhau khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Rất khó có cuộc giảm giá mạnh tương xứng với mức thuế giảm xuống 0% vì các liên doanh đều muốn bảo toàn lợi nhuận, giảm rủi ro khi lấy giá cả để lôi nhau vào cuộc cạnh tranh".

Trên thực tế, giá một số xe tại Việt Nam đã tương ứng với giá xe tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines song phần lớn các loại xe ở các nước trên đều có mức giá thấp hơn cao hơn xe tại Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, đối với Việt Nam dù thị trường hơn 90 triệu dân, song sức mua xe vẫn thấp so với các nước thu nhập cao hơn ở Thái Lan, Indonesia... Các hãng xe đều có liên doanh tại các nước và ngay tại Việt Nam. Nếu giá xe nhập từ Indonesia, Thái Lan ở mức quá thấp, đe dọa sự tồn tại của Toyota, Honda, hay Ford ở Việt Nam thì các hãng đều không muốn. Họ cố giữ mức giá khu biệt theo thị trường để tránh tự hủy diệt nhau,phá vỡ liên kết của tập đoàn xuyên quốc gia.

Cùng chung nhận định trên, ý kiến chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Trường hợp DN chỉ thuần nhập ô tô về Việt Nam, không có lắp ráp trong nước, họ sẽ dễ dàng quyết định giảm giá xe. Còn đối với các DN vừa lắp ráp, vừa nhập khẩu họ sẽ tính lợi ích DN lên trên hết, cố gắng giữ giá ổn định, chọn nhập các xe không sản xuất tại Việt Nam và đặt lợi ích thị trường và người tiêu dùng ở phía sau.

Thực tế, sau khi Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh ô tô đi vào cuộc sống vào tháng 10/2017, khá nhiều hãng xe đã giảm nhập về Việt Nam; nhiều DN, hiệp hội DN ô tô đã tuyên bố ngừng nhập vào thị trường Việt Nam do vướng mắc hàng rào, quy định.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những khó khăn nhất thời hoặc sự suy giảm xe nhập chỉ tính chất ngắn hạn, về dài hạn giá xe vẫn có thể hạ so với hiện nay do tác động của xe nhập không thuế từ ASEAN. Bên cạnh đó, những tác động của xe nhập không thuế cũng khiến xe giá xe trong nước bắt buộc phải tham gia sân chơi giảm giá, có thể sẽ bắt đầu vào tháng 4/2018.

Nguyễn Tuyền

Năm 2018: Chào thua chính sách, xe ô tô nhập thoái lui, "nhường sân" cho xe nội? - 2