Giá xăng tăng cao, Bộ trưởng Công Thương nói: Không nên "ép" giá thật thấp
(Dân trí) - Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, còn không nên nghiêng về hướng làm sao để "ép" cho giá thật thấp.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 1/6, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã có những chia sẻ liên quan tới vấn đề rất được quan tâm hiện nay, đó là giá xăng dầu.
Nhận được câu hỏi về việc giá xăng tăng cao kỷ lục, ông Diên nói: Hiện nay giá xăng của mình còn thấp hơn giá thế giới. Do vậy, có tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng, tăng giá xăng dầu làm tăng giá đầu vào vật tư nguyên liệu, làm tăng chi phí sản xuất. Có ý kiến cho rằng tăng giá xăng dầu làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
"Nói như vậy cũng không sai nhưng ở chiều ngược lại thì cũng thấy rằng nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao. Hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế", ông Diên nói.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam sản xuất ra bán cho người tiêu dùng cả thế giới, giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị thì "có phải thiệt hại không?".
Thứ hai theo ông Diên, đối tác thương mại của Việt Nam là rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nên nếu "ép giá" đầu vào thì có thể bị khởi kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí thao túng tiền tệ.
Ngoài ra, vấn đề hạ giá xăng dầu còn liên quan tới buôn lậu qua biên giới. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng phải cân nhắc và tính toán rất kỹ chứ không thể "một chiều". Theo quan điểm của tư lệnh ngành công thương, một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá.
Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao, ông Diên cho rằng, cần dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Còn nghiêng về hướng làm sao để "ép" cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào vô hình trung gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Thảo luận tại hội trường chiều nay (1/6), nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về việc hạ giá xăng dầu, giảm khó khăn cho người dân, nền kinh tế. Theo đại biểu Bùi Mạnh Khoa, dự báo giá xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục tăng hoặc giữ mức cao. Giá xăng tăng, theo đại biểu, sẽ tác động lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân.
Đại biểu Khoa cho biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, song hiện nay mặt hàng này vẫn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Do vậy, để đảm bảo giá xăng dầu bớt tăng quá "nóng", đại biểu đề nghị các cấp thẩm quyền cần sớm quyết định điều chỉnh thuế TTĐB, thuế GTGT tương tự như hạ thuế BVMT vừa qua.
Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhưng theo đại biểu, Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá thế giới tăng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này. Việc "hạ nhiệt" giá xăng dầu, theo đại biểu, nhằm tránh việc đẩy mặt bằng giá các hàng hóa khác tăng theo. Để đảm bảo nguồn thu, cân đối việc hụt từ giảm thuế xăng dầu, đại biểu kiến nghị tăng thu từ khai thác dầu.
"Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định", ông Cường nói.
Cũng theo đại biểu, việc tạo nguồn cung trong nước ổn định cũng là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá "nhạy cảm" với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cũng cho rằng Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng "domino" với giá cả các mặt hàng khác.
"Hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", ông Ngân kiến nghị.
Bộ Công Thương: Giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc, Lào, Campuchia
Theo Bộ Công Thương, việc điều hành giá xăng dầu được Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính. Trong các kỳ điều hành, Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến giá thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.
Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/5 so với đầu năm nay biến động tăng từ 50,23% đến 67,09% nhưng giá xăng dầu trong nước cùng giai đoạn này chỉ tăng 25,04 - 46,85%.
Cũng theo Bộ Công Thương, mỗi lít xăng RON 95 (trước kỳ điều chỉnh ngày 23/5 - PV) là 29.988 đồng/lít (tương đương 1,30 USD/lít), bằng mức bình quân của thế giới (đứng thứ 86/170 quốc gia).
Và với mức giá này, Bộ Công Thương cho biết xăng Việt Nam được bán thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc (1,35 USD/lít); Thái Lan (1,43 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít); Campuchia (1,39 USD/lít). Tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở xăng dầu chiếm từ 15,23% đến 34,07% tùy từng loại.
Còn hiện tại, sau kỳ điều chỉnh chiều nay (1/6), giá xăng E5 RON 92 tối đa là 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít; dầu diesel là 26.390 đồng/lít, dầu hỏa là 25.340 đồng/kg, dầu mazut là 20.900 đồng/kg.