1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá xăng ngày mai có thể tăng tiếp, lập kỷ lục mới?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Dự báo giá xăng trong nước ngày mai (21/6) sẽ lại tiếp tục tăng, mức tăng có thể dao động ở mức 300-500 đồng mỗi lít trong bối cảnh quỹ bình ổn cạn.

Giá xăng ngày mai có thể tăng tiếp, lập kỷ lục mới? - 1

Giá xăng có thể sẽ tăng lần thứ 7 liên tiếp (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngày mai (21/6), Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu chu kỳ mới.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 15/6 cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore đạt gần 152 USD/thùng đối với xăng RON 92; hơn 157 USD/thùng với xăng RON 95. Trong khi đó, giá dầu diesel có nhiều thời điểm vượt trên mốc 172 USD/thùng.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá xăng trong nước sẽ tăng dao động ở mức 300-500 đồng/lít tùy loại, dầu tăng cao hơn, có thể lên gần 1.000 đồng/lít. Nếu cơ quan điều hành can thiệp bằng quỹ bình ổn, mức giá có thể khác.

Nếu dự báo trên chính xác, giá xăng sẽ có 7 lần tăng liên tiếp, đưa mức giá mặt hàng này lập kỷ lục mới. Tại kỳ điều chỉnh mới đây hôm 13/6, giá xăng dầu lại lập đỉnh lịch sử mới sau mức tăng mạnh. Hiện giá xăng E5 RON 92 được bán với giá 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel 29.020 đồng/lít, dầu hỏa 27.830 đồng/lít.

Mới đây, buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương cũng "nóng" vấn đề giá xăng dầu. Trả lời câu hỏi về việc giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, vấn đề này đã được họp bàn, đề xuất. Song theo ông Hải, cũng không chỉ có thuế bảo vệ môi trường mà còn có các loại thuế khác, như thuế nhập khẩu, có thể được xem xét.

Quan điểm của ông Hải là "cái gì giảm được thì nên giảm" song cũng cần được tính toán. Bởi thuế nhập khẩu giảm nhiều cũng không phải tốt, khi cần cũng không tăng ngay được, vấn đề này có sự "đánh đổi", ông Hải nói.

Với đề xuất giảm thuế, ông Hải cho biết, hiện Bộ Tài chính đã có đề xuất, song sẽ cố gắng nhanh nhất. Ngoài ra, ông Hải cũng nhắc đến biện pháp giảm tác động giá xăng dầu bằng cách hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người yếu thế, tăng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động.

"Mong muốn sớm nhất để có được những biện pháp như thế", ông Hải nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 16/6, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

"Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu. Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này", Bộ trưởng Phớc chia sẻ.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết dự kiến đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.

Từ 1/4 năm nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu cũng đã được điều chỉnh giảm 50% cho đến hết năm. Thuế bảo vệ môi trường theo đó còn 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít hoặc kg đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn (chưa VAT)...

Trong nửa năm còn lại, Bộ Tài chính đánh giá có nhiều thách thức trong công tác điều hành giá nói chung (không chỉ xăng dầu) khi tăng trưởng toàn cầu ảm đạm còn lạm phát liên tục đi lên.

Liên quan đến việc giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu, có rất nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra. Nhiều ý kiến đồng tình việc tiếp tục hạ thuế bảo vệ môi trường bởi trong thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tiến trình sẽ diễn ra nhanh, kịp thời hơn.

Song một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, thuế bảo vệ môi trường giờ chỉ còn 1.000 - 2000 đồng/lít, nếu giảm nữa thì không còn phí bảo vệ môi trường. Theo đó, vị này cho rằng loại thuế cần phải bỏ hẳn đi là thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế cần giảm là thuế nhập khẩu và VAT.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm