Giá xăng có thể sắp rẻ hơn một chút từ tháng 8

Văn Hưng

(Dân trí) - Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường trên cơ cấu giá xăng. Nếu được Quốc hội thông qua trong tháng 7, hiệu lực thi hành Nghị quyết sẽ từ ngày 1/8 đến hết năm.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn trong nước.

Theo đó, trước biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới và trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại), với mục tiêu kìm đà tăng giá của mặt hàng thiết yếu này.

Ở lần thứ hai đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm nay, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đều được đề xuất giảm kịch khung về mức sàn, bao gồm giảm 50% thuế bảo vệ môi trường hiện tại, tương đương giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít với các mặt hàng xăng; giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít với nhiên liệu bay; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; mặt hàng dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề xuất duy trì mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa ở 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong định mức cho phép.

Giá xăng có thể sắp rẻ hơn một chút từ tháng 8  - 1

Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được đề xuất giảm "kịch sàn" (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện nay các hoạt động kinh tế - xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Do đó, dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm nay sẽ tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh là năm 2019.

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ như vậy, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế VAT) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.

Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7 và có hiệu lực từ ngày 1/8 tới thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế VAT) là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm còn 2.000 đồng/lít; với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm còn 1.000 đồng/lít; với mỡ nhờn giảm còn 1.000 đồng/kg; với dầu hỏa giảm xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành mới nhất vào ngày 13/6, giá xăng trong nước đã tăng lần thứ 6 liên tiếp và lập đỉnh mới. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 880 đồng/lít, lên mức 31.110 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng gần 800 đồng/lít, lên mức 32.370 đồng/lít.

Tại phiên họp điều hành giá ngày 14/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá áp lực lạm phát sẽ còn cao hơn giai đoạn đầu năm, đặc biệt là giá xăng dầu tiếp tục tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác, dẫn tới công tác điều hành giá của Chính phủ dự kiến gặp nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát, đánh giá, phân tích kỹ tình hình để triển khai các giải pháp, cũng như tham mưu cho cấp có thẩm quyền kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần phải điều hành linh hoạt, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng phải kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.