Giá xăng có thể lại tăng tiếp, vượt mốc 31.000 đồng/lít?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Dự báo ở kỳ điều chỉnh tới đây, giá xăng lại tiếp tục xô đổ kỷ lục và vượt 31.000 đồng/lít.

Giá xăng có thể lại tăng tiếp, vượt mốc 31.000 đồng/lít? - 1

Giá cả xăng dầu tăng "nóng" như hiện nay có tác động lớn tới nền kinh tế, cuộc sống người dân (Ảnh: Mạnh Quân).

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 tiếp tục tăng. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá 140,2 USD/thùng, còn xăng RON 95 là 148,41 USD/thùng.

Tuần qua, giá dầu thế giới đã có những phiên giao dịch với xu hướng tăng mạnh, tăng 6% cả tuần với dầu Brent và 1,5% với dầu WTI. Chốt phiên cuối tuần, giá dầu WTI tăng 0,86% lên 115,1 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent giao tháng 7 tăng 1,73% lên 119,4 USD/thùng. Giá dầu thô Brent hiện đã chạm mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển đến ngày 27/5 ở mức 154,26 USD/thùng với RON 95 và 146,08 với E5 RON 92. Giá xăng trong nước đang âm so với giá xăng thế giới ở mức khá cao, với RON 95 lỗ khoảng 850 - 950 đồng/lít. Còn xăng E5 RON 92 cũng đang âm khoảng 250 - 350 đồng/lít, dầu diesel cũng âm 600 - 700 đồng/lít.

Theo dự báo của vị này, giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6 sẽ tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp. Nếu mức tăng tương ứng với mức lỗ thì giá xăng RON 95 sẽ vượt mốc 31.000 đồng/lít.

Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tăng 670 đồng với mỗi lít xăng RON 95, lên mức 30.650 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít, lên mức 29.630 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.100 đồng/lít, xuống còn 25.550 đồng/lít; dầu hỏa giảm 660 đồng, xuống còn 24.400 đồng/lít.

Giá xăng tăng rất cao thời gian qua là một trong những vấn đề đáng chú ý trong các báo cáo của cơ quan Chính phủ, Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 23/5.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, xăng dầu thế giới bình quân tính đến ngày 15/5 so với đầu năm nay có xu hướng tăng từ 40,66 - 51,52% tùy từng chủng loại. Giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tổng cộng 13 lần, trong đó, tăng 10 lần, giảm 3 lần.

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng về giá cả xăng, dầu tăng cao. Điều này cũng tác động nhiều đến chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp.

Thảo luận tại tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội cũng lo ngại giá xăng dầu tăng cao và lạm phát.

"Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta có những công cụ kiểm soát. Công cụ là gì, đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói. Ông Ngân cho rằng, trong kỳ họp này, các đại biểu nên đưa vấn đề này vào Quốc hội xem xét.

Cũng theo ông Ngân, nếu không kiểm soát được giá xăng dầu có thể dẫn tới "hiệu ứng domino" với giá các mặt hàng khác. Trong khi đó, người dân đã gặp quá nhiều khó khăn sau 2 năm Covid-19, do đó, cần phải kiểm soát cơn "bão giá", vị đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cũng lo ngại việc giá cả xăng dầu tăng "nóng" như hiện nay có tác động lớn tới nền kinh tế, nguyên liệu sản xuất đầu vào có xu hướng tăng cao. Ông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp đối với vấn đề này, nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển, giảm bớt khó khăn cho người dân.