Giá xăng kỷ lục, hàng hóa "té nước theo giá xăng", đại biểu lo lắng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Lo ngại lạm phát gia tăng, giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao gây khó cho nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khi giá xăng dầu tăng kỷ lục.

Thảo luận tại tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng dầu tăng cao và lạm phát.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho biết, lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Việt Nam đã trải qua nhiều đợt lạm phát, đợt nặng nề nhất là từ sau khi đổi mới năm 1986 và đợt gần nhất là lạm phát do suy thoái kinh tế năm 2008.

Chỉ số lạm phát lúc đó lên tới 23%. Chỉ số lạm phát vào năm 2011 cũng lên 2 con số. Khi đó, tất cả chi phí giá cả, hàng hóa đều tăng lên và đời sống của người dân vô cùng khó khăn, ông Ngân nói.

Giá xăng kỷ lục, hàng hóa té nước theo giá xăng, đại biểu lo lắng - 1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng các cơ quan liên quan cần vào cuộc để nhanh chóng kiểm soát vấn đề giá xăng, không để tăng quá cao (Ảnh: Quốc Chính),

"Khi đó chúng ta buộc phải dùng "thuốc liều cao" để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội", ông Ngân nhấn mạnh. Vị này cho rằng, với tình hình giá xăng dầu như  hiện nay, các cơ quan cần vào cuộc để nhanh chóng kiểm soát vấn đề giá, không để tăng quá cao.

"Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta có những công cụ kiểm soát. Công cụ là gì, đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói. Ông cho rằng, trong kỳ họp này, các đại biểu nên đưa vấn đề này vào Quốc hội xem xét.

Cũng theo ông Ngân, nếu không kiểm soát được giá xăng dầu có thể dẫn tới "hiệu ứng domino" với giá các loại mặt hàng khác. Trong khi đó, người dân đã gặp quá nhiều khó khăn sau hai năm Covid-19. Cần phải kiểm soát cơn "bão giá", vị đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cũng lo ngại việc giá cả xăng dầu tăng "nóng" như hiện nay có tác động lớn tới nền kinh tế, nguyên liệu sản xuất đầu vào có xu hướng tăng cao.

Đại biểu Thắng đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp đối với vấn đề này, nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển, giảm bớt khó khăn cho người dân.

Liên quan đến vấn đề giá cả, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cũng cho biết, thời gian vừa qua, giá các mặt hàng như xăng dầu, sắt, thép, xi măng, thực phẩm tăng cao đã tác động trực tiếp đến người dân. Trong "rổ hàng hóa" lớn như vậy, nhóm hàng hóa thiết yếu đã phản ánh về tốc độ lạm phát và mặt bằng giá của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng như CPI, chỉ số giá nguyên nhiên liệu cho sản xuất ở Việt Nam trong khu vực công nghiệp cũng tăng rất rõ, điều này ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí sản xuất hàng hóa, dẫn đến giá bán tăng lên, gây áp lực giá tiêu dùng cho người dân.

"Tôi cho rằng, cần phải đặt ra những biện pháp can thiệp kịp thời, thực hiện các chính sách đủ mạnh để loại bỏ tác động của giá cả tăng đột biến", ông Bảo nói.

Cũng theo ông này, kiểm soát tốt nguồn cung cho các hoạt động sản xuất tiêu dùng để vừa giảm áp lực lạm phát vừa giảm các chi phí trong kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu và tháo gỡ những khó khăn về logistics.