1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá vàng thường biến động ra sao trong dịp vía Thần Tài?

Thảo Thu

(Dân trí) - Trước năm 2022, chênh lệch giữa giá mua - bán vàng chi ở mức vài trăm nghìn đồng mỗi lượng nhưng 2 năm nay mức chênh lệch thậm chí được nới lên tới 1,6 triệu đồng.

Phong tục mua vàng trong ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) trước đây chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ thương nhân, giới kinh doanh tại Sài Gòn nhưng nhiều năm nay đã lan rộng ra cả phía Bắc, nhất là Hà Nội.

Thống kê diễn biến một thập kỷ trở lại đây cho thấy, giá vàng SJC thường tăng khá mạnh trong một tuần trước ngày Thần Tài rồi bất ngờ giảm trong ngày mùng 9 tháng Giêng, sau đó lại bật tăng vào ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày vía Thần Tài) rồi "lao dốc" những ngày sau đó.

Chu kỳ tăng trong một tuần trước đó và chạm đáy vào gần cuối ngày hoặc sáng hôm sau ngày Thần Tài được lặp lại liên tiếp trong các năm gần đây, chỉ trừ năm 2022. Năm ngoái, giá vàng vẫn tăng sau dịp vía Thần Tài nhưng là do thời điểm đó giá vàng thế giới tăng vọt vì xung đột Nga - Ukraine và lo ngại lạm phát kéo dài.

Giá vàng thường biến động ra sao trong dịp vía Thần Tài? - 1

Năm 2022 là trường hợp ngoại lệ khi giá vàng vẫn tăng sau dịp vía Thần Tài, còn lại giá vàng đều có xu hướng giảm (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngày vía Thần Tài năm nay, giá vàng miếng SJC trong nước bật tăng trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp, hiện được giao dịch ở mức 66,3-67,7 triệu đồng/lượng (mua - bán). Nhiều khách hàng nói với Dân trí về khả năng giá vàng trong nước có thể giảm mạnh vào cuối ngày hoặc ngay trong ngày hôm sau, giống kịch bản quen thuộc các năm trước. Tuy nhiên, với nhiều người mua vàng trong ngày này, mục đích chỉ để lấy may nên họ không quan tâm nhiều đến biến động giá.

"Tôi chỉ mua 2 chỉ với hy vọng gia đình gặp may mắn nên nếu lỡ mua phải giá cao và chiều tối giá lại giảm mạnh cũng không quan trọng", chị Lưu Thị Hiền (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Giá vàng thường biến động ra sao trong dịp vía Thần Tài? - 2

Người dân lựa vàng tại một tiệm ở TPHCM sáng nay (Ảnh: Quang Ninh).

Không chỉ tăng giá vào dịp vía Thần Tài, các doanh nghiệp vàng thường có xu hướng nới rộng biên độ mua - bán trong những ngày này. Trước năm 2022, mức độ chênh lệch giữa chiều mua vào và bán ra chỉ 200.000-300.000 đồng/lượng thì vào ngày Thần Tài, khi lực mua lớn, các đơn vị kinh doanh vàng thường đẩy chênh lệch giá mua - bán lên tới 500.000-700.000 đồng/lượng. Như vậy, nếu người dân nào mua vàng và bán lại ngay sau đó đã có thể lỗ tới nửa triệu đồng.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, mức chênh lệch mua - bán trong ngày vía Thần Tài đã được nới vượt 1 triệu đồng. Ngay như sáng nay, mức chênh lệch được các nhà vàng đẩy lên tới 1,42 triệu đồng/lượng. Phần thiệt thòi được đẩy về phía người mua. 

Còn ngày vía Thần Tài năm ngoái, giá vàng niêm yết tại các nhà vàng tăng 100.000-200.000 đồng/lượng so với cuối ngày liền trước, trong bối cảnh giá thế giới có phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Tại một số doanh nghiệp vàng, giá vàng niêm yết có thời điểm thậm chí ở mức 61,1-62,7 triệu đồng/lượng, khiến chênh lệch giữa giá mua - bán được nới rộng lên tới mức 1,6 triệu đồng.

Lực cầu mua vàng của người dân thường xuất hiện ngay sau Tết và kéo dài đến sát ngày vía Thần Tài với tâm lý mua vàng đầu năm lấy may. Bên cạnh đó, trong các ngày Thần Tài, sự chênh lệch giá giữa các loại vàng của những thương hiệu có thể lên tới vài triệu đồng dù ở trên cùng một con phố. Trong ngày Thần Tài, giá vàng thường ít chịu ảnh hưởng bởi thế giới và các doanh nghiệp thường cố gắng đẩy mạnh nhóm sản phẩm mang thương hiệu riêng.

Trao đổi với Dân trí, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội cho biết người dân mua vàng ngày này chủ yếu với tâm thế mua vàng vì sự may mắn và mua với lượng nhỏ (nửa chỉ hoặc 1-2 chỉ). "Còn nếu mua vàng để đầu tư, cần tìm hiểu kỹ các yếu tố kinh tế do vàng chịu ảnh hưởng nhiều bởi các thông tin chính trị, tài chính trên thế giới", vị này nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm