1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá vàng SJC cao hơn thế giới gần 16,6 triệu đồng mỗi lượng

An Chi

(Dân trí) - Giá vàng thế giới và trong nước tăng nhẹ trở lại nhưng chênh lệch lên tới 16,57 triệu đồng/lượng.

Chiều qua (21/4), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 69,7 - 70,42 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán là 720.000 đồng/lượng.

Lúc 7h sáng nay (22/4), giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.950 USD/ounce, tương đương 53,85 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 16,57 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC cao hơn thế giới gần 16,6 triệu đồng mỗi lượng - 1

Vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 16,57 triệu đồng/lượng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nhà phân tích Bjorn Goosen từ S&P Global Market Intelligence cho biết, thị trường vàng trong thời gian tới sẽ bị tác động bởi 3 yếu tố: Chiến sự ở Ukraine; Lạm phát tăng cao; Các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất.

Theo ông, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những rủi ro khi xung đột Nga và Ukraine kéo dài khiến lạm phát tăng cao, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát ở nhiều quốc gia. Do đó, giá vàng có thể ổn định trong vài quý tới.

"Trong ngắn hạn và trung hạn, kim loại quý vẫn duy trì quanh mốc 1.900 USD/ounce vì những bất ổn về địa chính trị và kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, giá vàng sẽ giảm dần về 1.825 USD/ounce vào cuối năm khi lãi suất tăng cao và đồng USD mạnh lên", ông Goosen nói.

Ông John LaForge từ hãng Wells Fargo cho rằng, giới đầu tư có xu hướng tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn khi tình hình địa chính trị bất ổn và lạm phát tăng cao trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, giá vàng có thể cán mốc 2.100 USD/ounce.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, xung đột giữa Nga và Ukraine đang đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới nên cơ quan này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 và 2023.

"Chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng kép khi giá thực phẩm, năng lượng tăng cao gây áp lực lên các nền kinh tế. Trong đó, cuộc chiến ở Ukraine là nguyên nhân chính khiến mọi thứ bị đảo lộn", bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF nói.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 4,1% xuống 3,2% trong năm 2022 do xung đột giữa Nga và Ukraine. Hành động trên đến từ việc WB giảm triển vọng tăng trưởng cho các khu vực châu Âu và Trung Á, bao gồm Nga và Ukraine khi kinh tế khu vực này dự kiến sẽ giảm 4,1% năm 2022.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm