Giá vàng có đạt 72 triệu đồng/lượng trong tuần này?

An Chi

(Dân trí) - Một thành viên trong Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, giá vàng miếng SJC có thể cán mốc 72 triệu đồng/lượng trong tuần này.

Cập nhật lúc 9h sáng nay (19/4), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 69,75 - 70,57 triệu đồng/lượng, giảm 650.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 450.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên 18/4. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng. Chênh lệch mua bán dao động 800.000 - 820.000 đồng/lượng.

Trao đổi với Dân trí, một thành viên trong Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, giá vàng miếng SJC có thể cán mốc 72 triệu đồng/lượng trong tuần này.

"Các thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine có thể đạt được trong thời gian tới. Tuy nhiên, lạm phát thì vẫn kéo dài đến hết năm 2023 khi giá lương thực, thực phẩm, nhiên liệu tiếp tục tăng cao. Do đó, giới đầu tư tìm đến vàng như là kênh trú ẩn an toàn", thành viên trong Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích.

Giá vàng có đạt 72 triệu đồng/lượng trong tuần này? - 1

Một thành viên trong Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, giá vàng miếng SJC có thể cán mốc 72 triệu đồng/lượng trong tuần này (Ảnh: Tiến Tuấn).

Lúc 7h sáng nay (19/4), giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.978 USD/ounce tương đương 54,73 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 16,92 triệu đồng/lượng.

Hôm qua (18/4), có thời điểm vàng cán mốc 2.000 USD/ounce khi nhu cầu trú ẩn tăng đột biến. Hiện tại, thị trường vàng được hưởng lợi là nhờ đồng USD giảm và lợi tức kho bạc Mỹ gia tăng. Ngoài ra, cuộc chiến ở Ukraine ngày càng căng thẳng, leo thang chính là động lực đẩy giá kim loại quý.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, xung đột giữa Nga và Ukraine đang đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới nên cơ quan này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 và 2023.

"Chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng kép khi giá thực phẩm, năng lượng tăng cao gây áp lực lên các nền kinh tế. Trong đó, cuộc chiến ở Ukraine là nguyên nhân chính khiến mọi thứ bị đảo lộn", bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF nói.

Ngày 18/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 4,1% xuống 3,2% trong năm 2022 do xung đột giữa Nga và Ukraine. Hành động trên đến từ việc WB giảm triển vọng tăng trưởng cho các khu vực châu Âu và Trung Á, bao gồm Nga và Ukraine khi kinh tế khu vực này dự kiến sẽ giảm 4,1% năm 2022.

Mới đây, các ngân hàng như Goldman Sachs đã cảnh báo về cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ khiến giới đầu tư ngày càng thận trọng. "Không một ai có thể biết được suy thoái khi nào diễn ra và diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, việc lạm phát gia tăng đang đẩy nhanh tốc độ suy thoái. Hiện tại, lạm phát ở nền kinh tế số 1 thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ", chiến lược gia thị trường từ hãng Exinity -  Hussein Sayed nhấn mạnh.

Theo ông Hussein Sayed, khả năng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo để ngăn chặn lạm phát. Do đó, đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thể quay trở lại đường đua tăng giá.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm