Mua vàng SJC, người mua lỗ nặng sau 3 ngày
(Dân trí) - Giá vàng miếng SJC đã trượt khỏi mốc 70 triệu đồng/lượng. Nếu khách mua vàng từ đầu tuần thì đến sáng nay đã lỗ nặng.
Cập nhật lúc 9h sáng nay (20/4), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 69,55 - 70,27 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên 19/4. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng. Chênh lệch mua bán dao động 700.000 - 720.000 đồng/lượng.
Lúc 7h30 sáng nay (20/4), giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.948 USD/ounce, tương đương 53,98 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 16,79 triệu đồng/lượng.
Giá vàng sụt giảm khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao. Cụ thể, chỉ số đồng bạc xanh đã tăng thêm 0,02 điểm lên 100,81 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 2,898%, gần mức cao nhất trong 3 năm.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng vàng có thể giảm giá trong ngắn hạn nhưng dài hạn thì giá tăng khi lạm phát tăng nhanh trên toàn cầu. So với cùng kỳ năm 2021, kim loại quý đã tăng 6,5% và tăng 9% kể từ đầu năm.
Để chống lại lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mạnh tay trong việc điều chỉnh lãi suất. Theo công cụ FedWatch của CME, 91% là Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 5.
Chủ tịch Asset Management Adrian Day nhận định, lạm phát chính là động lực khiến giá vàng tăng trong dài hạn khi các ngân hàng trung ương thắt chặt các chính sách tài khóa, tiền tệ. Điển hình như Ngân hàng trung ương Canada đã nhất trí tăng lãi suất chủ chốt từ 0,5% lên 1% và tuyên bố cần nhiều đợt tăng lãi suất hơn để kìm hãm đà tăng của lạm phát. Còn ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến kết thúc hoạt động mua tài sản ròng vào quý III.
"Giới đầu tư có thể chứng kiến một đợt giảm giá vàng vào tuần tới nhưng mức độ không đáng lo ngại. Về dài hạn, kim loại quý còn nhiều đất tỏa sáng khi lạm phát tăng cao và các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất", ông nói.
Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa hạ nhiệt là nguyên nhân tiếp theo khiến vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn được giới đầu tư lựa chọn.
Ngày 18/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ mức 4,1% xuống 3,2% trong năm 2022 do xung đột giữa Nga và Ukraine. Mức dự báo này đến từ việc WB giảm triển vọng tăng trưởng cho các khu vực châu Âu và Trung Á, bao gồm Nga và Ukraine khi kinh tế khu vực này dự kiến sẽ giảm 4,1% năm 2022.