Giá vàng cắm đầu giảm sau thời gian nghỉ Tết
(Dân trí) - Giá vàng miếng SJC mở cửa phiên giao dịch đầu năm Giáp Thìn giảm 1,2 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối cùng trước nghỉ Tết.
Vàng thế giới mất mốc 2.000 USD
Sáng 15/2, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại 75,4 - 77,7 triệu đồng một lượng, giảm 1,2 triệu đồng so với phiên giao dịch cuối cùng trước nghỉ Tết. Đây là phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
Phiên làm việc cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày để đón năm Giáp Thìn (7/2), giá vàng miếng SJC chốt ở mức 76,7-78,9 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trước đó, giá vàng miếng SJC mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm Quý Mão (22/2/2023) ở 66,3-67,1 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Bảo Tín Mạnh Hải sáng nay niêm yết giá vàng miếng SJC là 76,45-78,50 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 350.000 đồng mỗi chiều. Vàng nhẫn được công ty này niêm yết tại 64,12-65,45 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng thế giới cũng đang chứng kiến pha lao dốc mạnh.
Cụ thể, giá vàng thế giới rơi từ vùng giá trên 2.020 USD/ounce (trước kỳ nghỉ Tết) xuống chỉ còn 1.991 USD/ounce vào sáng nay (15/2). Đây cũng là vùng giá thấp nhất trong vòng một tháng trở lại đây. Có thời điểm giá vàng thế giới chỉ giao dịch quanh vùng 1.982 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, mỗi lượng vàng thế giới tương đương hơn 59 triệu đồng/lượng, thấp hơn 18,65 triệu đồng so với giá vàng miếng trong nước.
Giá vàng thế giới từng lập đỉnh vào cuối năm ngoái (27/12/2023) khi chạm mốc 2.084 USD/ounce. So với mức đỉnh này, giá vàng hiện đã thấp hơn khoảng 5%, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng giá vàng giảm do tâm lý nhà đầu tư chờ đợi thông tin về dữ liệu lạm phát của Mỹ và những bình luận không mấy tích cực của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết người Mỹ vẫn cần kiên nhẫn chờ đợi thêm về thời điểm giảm lãi suất sắp đến.
Trước đó, thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào kịch bản Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng cao hơn dự kiến, đã có chuyên gia nhận định khả năng Fed sẽ nới thêm một đợt tăng lãi suất điều hành trong nửa đầu năm nay nhằm kiềm chế lạm phát về mốc mục tiêu 2%.
Số liệu lạm phát Mỹ được công bố cho thấy lạm phát cao hơn so với các dự báo trước đó, càng làm giảm triển vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng 12 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vàng trong nước sẽ tăng sau Tết?
Đi ngược với xu hướng giảm của giá vàng, USD-Index - chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt - đang neo ở mức 104,72 điểm và ở vùng giá cao nhất gần 3 tháng trở lại đây.
Giới đầu tư lo ngại đồng USD tăng sẽ khiến chi phí lãi vay và ký gửi vàng gia tăng nên họ cần nhanh chóng bán tháo vàng để tìm cơ hội đầu tư mới. Bối cảnh này còn có thể khiến giá vàng thế giới tiếp tục giảm trong các phiên giao dịch tới.
Diễn biến giá vàng thế giới không mấy tích cực song vẫn được cho là khó kìm được đà tăng của giá vàng trong nước thời gian tới. Lịch sử các năm trước, ngay khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng thường bước vào đợt tăng giá do được thúc đẩy bởi nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết và từ ngày Vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng).
Tỷ giá trung tâm sáng 15/2 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 23.976/USD, tăng 12 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.777 đồng đến 25.174 đồng.
Các ngân hàng tăng giá giao dịch USD từ 50-100 đồng mỗi chiều. Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua - bán là 24.180-24.600 đồng/USD (mua - bán). Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.170-24.630 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD là 24.840-24.910 đồng/USD, tăng 20 đồng chiều mua và 30 đồng chiều bán so với trước đó. USD trên thị trường "chợ đen" có giá cao hơn ngân hàng từ 400-700 đồng mỗi chiều.