Giá vàng bật tăng sau phiên sụt giảm, chênh lệch 2 triệu đồng/lượng
(Dân trí) - Giá vàng phiên giao dịch sáng nay đã bật tăng trở lại nhưng khoảng cách về giá giữa thị trường thế giới và trong nước vẫn duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Mở cửa thị trường vàng sáng nay 4/9, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn ở mức 55,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,65 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Các mức giá này tăng mỗi chiều 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tại TPHCM, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 55,85 triệu đồng/lượng - 56,8 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với chốt phiên hôm qua.
Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn ở mức 55,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,6 triệu đồng/lượng (bán ra); giá vàng SJC tại TPHCM chốt ở mức 55,85 triệu đồng/lượng - 56,8 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, lúc 8h20 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng nhẹ 5,5 USD, giao dịch ở mức 1.936,7 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng có thời điểm giảm xuống 1.931 USD/ounce. Giá vàng trong phiên cao nhất là 1.947 USD/ounce.
Giá vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 27 (415 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Theo đó, quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng, giá vàng thế giới hiện ở mức 54,8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí), thấp hơn khoảng 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Hôm qua, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất gần 1 tuần trong bối cảnh đồng USD hồi phục vững chắc. Chỉ số USD đã tăng phiên thứ 3 liên tiếp so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) bày tỏ sự lo ngại tỷ giá euro/USD vượt qua ngưỡng 1,2 khi mà lạm phát tại khu vực này còn thấp, trung bình dưới 1%.
Tuy nhiên, với mức bật tăng trở lại hiện tại, vàng lại trở nên lấp lánh trong mắt giới đầu tư khi họ thận trọng hơn với các nguy cơ của nền kinh tế Mỹ.
Theo một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nợ chính phủ của Mỹ có thể vượt quy mô nền kinh tế nước này trong tài khóa 2021 và đây sẽ là mức nợ cao nhất kể từ năm 1946 do các khoản chi lớn của Mỹ nhằm ứng phó đại dịch Covid-19.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá vàng trong ngắn hạn vẫn sẽ tiếp tục bị tác động trực tiếp bởi các số liệu kinh tế Mỹ, căng thẳng Mỹ- Trung, thông tin về dịch Covid-19, đặc biệt là vắc xin phòng ngừa dịch bệnh…
Dữ liệu mới nhất cho thấy, trên toàn thế giới hiện có 26.458.208 ca nhiễm Covid-19, trong đó 872.508 người chết. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu với 6.335.244 số ca nhiễm.
Tại châu Âu, tốc độ lây lan của dịch Covid-19 gần như đã trở lại mức hồi tháng 3 khi dịch đạt đỉnh lần đầu. Các nước châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cho phép mở cửa lại các doanh nghiệp, nhà hàng và văn phòng nhằm khôi phục kinh tế.
Còn tại châu Á, tính đến ngày 3/9, số người chết vì Covid-19 tại châu Á là 100.667 người trong số hơn 5,4 triệu người mắc bệnh. Tính về số người tử vong vì Covid-19, đến nay châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 4 trên thế giới, sau khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Âu, Mỹ và Canada.
Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực và thứ hai thế giới với gần 3,9 triệu ca mắc bệnh, trong đó hơn 67.000 tử vong.
Sau khi được đánh giá là kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu, châu Á hiện đang đối mặt với tình trạng dịch tái bùng phát mạnh trở lại, với số người mắc bệnh và tử vong đều tăng kể từ tháng 8.