1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Nội:

Giá rau "neo" ở mức cao cả tháng, nhà giàu ăn cũng buốt ruột

(Dân trí) - Đã qua những ngày Tết, nhưng giá rau xanh tại Hà Nội vẫn chưa chịu hạ nhiệt, thậm chí có loại đắt hơn gấp 2 - 3 lần ngày thường. Nhiều người ví von: ăn rau xanh bây giờ đắt hơn cả ăn thịt.

Tại chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu sáng ngày 18/2, giá rau xanh bán buôn vẫn rất cao. Trung bình bắp cải từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. Bí đỏ, bí xanh cũng được tăng từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg. Su hào có giá 15.000 đồng/củ, bằng ấm tích nhỏ.

Giá rau xanh tại Hà Nội vẫn giữ giá hơn 1 tháng nay, khiến nhiều người không dám bỏ tiền ăn rau vì quá đắt
Giá rau xanh tại Hà Nội vẫn giữ giá hơn 1 tháng nay, khiến nhiều người không dám bỏ tiền ăn rau vì quá đắt

Nhiều bà nội chợ cho biết, Dịch Vọng Hậu vốn là chợ đầu mối có giá rất bình dân, nhưng từ đợt rét đậm đến thời điểm Tết Nguyên đán và giờ là sau Tết mà giá rau xanh nhiều loại vẫn rất đắt.

Nhiều người đi chợ chỉ dám mua một ít ăn trong ngày, chứ không dám mua nhiều ăn mấy hôm như trước kia. Đa số người nội chợ đều mong rau xanh sẽ hạ giá bởi chi phí ăn rau còn đắt hơn cả thịt, cá.

Khảo sát một số chợ khác như chợ Nghĩa Tân, Xuân Đỉnh sáng 18/2, giá rau xanh vẫn giữ giá ở mức cao so với thời điểm trước và trong tết. Các cửa hàng rau xanh luôn cho biết, trưa chiều sẽ hết hàng. Giá rau xanh cao cũng khiến giá của các loại củ quả không giảm.

Các chợ thực phẩm lớn là vậy, các chợ dân sinh nhỏ lẻ, giá rau xanh cũng không kém cạnh, chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giá 1kg cải bắp 20.000 đồng, su hào 12.000 đồng/củ, súp lơ trắng 28.000 đồng/kg và rau cải xanh (cải ngọt) cũng 27.000 đồng/kg. Giá cà chua hiện ở mức 25.000 đồng/kg, thấp hơn mức trước tết từ 30 – 35.000 đồng/kg

Theo nhiều bà nội trợ, giá rau xanh từ trước và trong tết đến hiện nay vẫn cao chót vót. Thậm chí, nhiều loại rau xanh như cải bắp, su hào hay cải ngọt, rau muống có giá cao hơn nhiều so với năm trước.

Bà Kim Anh, tại Cổ Nhuế cho hay: "Trước rét đậm, 1 kg bắp cải chỉ có giá từ 8.000 - 9.000 đồng, khi rét đậm, rét hại giá tăng 25.000 đồng/kg, và giá này duy trì suốt thời gian trước và trong Tết Bính Thân. Đến nay, giá loại rau này dù có giảm song vẫn giữ ở mức 20.000 đồng/kg. Các loại rau xanh đều tăng giá, chỉ có thực phẩm là đứng giá vì tết ai cũng còn đồ tích trữ”.

Lý giải về hiện tượng giá rau xanh tăng giá mạnh, nhiều chủ hàng cho biết: "Mặc dù gần tết thời tiết nắng ấm, rau xanh phát triển và lượng hàng cung cấp tăng nhưng do nhu cầu của người dân lớn. Nhiều thời điểm nhập rau xanh rất khó, các đầu mối ngoài thị trường toàn báo khan hàng, không có rau để cung ứng cho chợ lẻ”.

Theo một chủ phân phối rau xanh tại chợ Đền Lừ, rau xanh giá cao tại Hà Nội do chủ yếu nguồn cung khan hiếm, rau tại Hà Nội chủ yếu nhập từ Sapa, các vựa rau lớn ở ngoại thành, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương... Tuy nhiên, do đợt rét kéo dài, cộng với sương muối nên nhiều diện tích rau xanh cũng bị chết rét. Giá rau tại các vùng quê hiện cũng ngang ngửa với giá rau tại Hà Nội, trong khi đó lượng rau Đà Lạt cung ứng ra phía Bắc ít không đủ nhu cầu. Rau muống trái vụ ngoài đồng bị rét cháy hết lá, các loại bắp cải, su hào hay rau bí đầu rét quá không phát triển được, nhiều nhà vườn rau bị thối, chết do thời tiết khắc nghiệt

Ngoài ra, nhiều người cho hay, đợt rét đậm, rét hại xảy ra đúng vào đợt cao điểm tiêu dùng và giao điểm giữa vụ rau đông và vụ xuân hè, các loại rau bắp cải, su hào, cải đã hết mùa trong khi đó các loại rau vụ xuân hè như: muống, bí đao, mùng tơi, rau đay chưa kịp trồng, vì vậy nên khan hàng, giá đắt đỏ.

Nguyễn Tuyền

Giá rau "neo" ở mức cao cả tháng, nhà giàu ăn cũng buốt ruột - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm