Gia nhập WTO - Bài toán được mất

Những ngày gần đây, khi đã rõ việc VN không được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng mười hai năm nay, nhiều ý kiến nói nhiều đến chuyện được và mất. Mất gì, được gì và giá nào thì các ý kiến còn nhiều khác nhau.

Việc VN trở thành thành viên WTO không còn là vấn đề riêng giữa VN và WTO, mà đã là mối quan tâm chung. Hầu hết các nước trên thế giới lâu nay ủng hộ VN, giúp đỡ VN, phát triển quan hệ hợp tác với VN đều muốn VN sớm ra nhập WTO, trong đó có nhiều nước mấy năm nay đã bỏ tiền ra để thuê người tư vấn cho VN trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.

 

Các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực lâu nay có quan hệ tốt với VN như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF)... đều muốn VN sớm gia nhập WTO. Các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động và có ý định vào VN kinh doanh, các doanh nghiệp VN (trừ một số doanh nghiệp nhà nước đã quen sống với bao cấp, sợ cạnh tranh) cũng muốn VN sớm gia nhập WTO.

 

Việc VN không vào được WTO cuối năm 2005 như đã mong muốn là một nỗi thất vọng chung của bao sự mong chờ. Đó là cái mất thứ nhất. Thế giới sẽ nghĩ gì khi cái ngưỡng của WTO thấp lè tè, đã có 149 nước giàu, nghèo nhẹ nhàng bước qua mà VN trèo mãi không qua? Và khi họ đã bỏ công, bỏ tiền hỗ trợ tư vấn và ủng hộ VN?

 

Cái mất thứ hai là khi mà nền kinh tế VN còn yếu kém, doanh nghiệp VN còn nhỏ yếu, miếng bánh lợi ích kiếm được từ hội nhập sẽ được chia không đều, VN sẽ được phần bé hơn trong cuộc chia đó.

 

Các nước đưa vốn công nghệ vào VN đầu tư, khai thác tài nguyên, sức lao động. Phần chia của VN bé hơn, nhưng được ít còn hơn là không có gì. Họ không vào thì ta không có gì cả.

 

Từ chỗ được miếng bánh bé đó, VN thoát khỏi cơn đói rồi sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành và miếng bánh VN được chia sẽ lớn dần lên. VN sẽ có miếng bánh to trong tương lai khi VN khôn lớn bằng người. Sự thành công của những nước và lãnh thổ xung quanh ta như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia... cho thấy rõ điều đó.

 

Nói đến cái được, thứ nhất là được đứng vào đội ngũ những quốc gia - đối tác bình đẳng trên sân chơi kinh tế thế giới. Được tham gia vào cuộc đua trên sân chung đó để cùng phát triển với thời đại. Ở đó VN được thế giới trọng nể. Thứ hai, gia nhập WTO là một sự cam kết chính thức, là một sự ràng buộc pháp lý để VN thúc đẩy nhanh mạnh hơn các quá trình đổi mới đang diễn ra trong nước.

 

Quá trình đổi mới khung pháp lý, trong đó có việc làm cho khung pháp lý VN tương thích với luật lệ quốc tế. Quá trình đổi mới phong cách điều hành quản lý kinh tế, đoạn tuyệt với cách quản lý điều hành theo kiểu hành chính bao cấp, thực hiện điều hành quản lý theo cơ chế thị trường. Quá trình đổi mới trang thiết bị công nghệ cho nền kinh tế. Quá trình đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp. Quá trình bài trừ nạn tham nhũng, móc ngoặc; quan trọng hơn là đổi mới tư duy, nhận thức.

 

Trong quá trình hội nhập, chúng ta còn có những cái được trong cái mất như: mất đi những qui định luật pháp tối nghĩa, khó thực thi, gây khó dễ cho việc làm ăn của doanh nghiệp; mất đi cách làm ăn trì trệ, dựa dẫm, tắc trách; mất đi những cán bộ lười biếng, kém năng lực; mất đi những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, liên tục thua lỗ... Hội nhập càng sớm, những thứ này mất càng nhiều, càng nhanh và dân càng mừng!

 

Nguyễn Đình Lương (Báo Tuổi trẻ)

(Nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ)

Dòng sự kiện: Gia nhập WTO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm