Phó Thủ tướng Vũ Khoan:
Phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức
"Vào WTO để đón nhận khó khăn, lo sợ thách thức nhiều hơn cơ hội nhận được thì chúng ta vào làm gì. Theo tôi, doanh nghiệp cần bình tĩnh để đối phó với các thách thức" - Phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo chí chiều qua.
Vòng đàm phán song phương giữa VN và Hoa Kỳ đã kết thúc, chúng ta và Hoa Kỳ đã đạt được những thỏa thuận gì, thưa Phó Thủ tướng?
Nội dung thỏa thuận được gồm 3 vấn đề chính: Thứ nhất, về thuế suất, thuế xuất nhập khẩu khi gia nhập WTO, ta mặc nhiên được hưởng thuế suất thấp của các nước thành viên, đổi lại, các thành viên cũng yêu cầu ta phải giảm thuế xuất nhập khẩu.
Ta đã đám phán với từng thành viên về từng dòng thuế một. Với Hoa Kỳ, ta phải đàm phán hàng ngàn dòng thuế, cả thuế nông nghiệp và thuế công nghiệp; nội dung đàm phán ấy phải qua thời gian lâu dài mới đạt được.
Thứ hai, khi gia nhập WTO, VN cam kết phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tham gia thị trường VN trong các lĩnh vực sản xuất, trong đó có doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Nhưng, tham gia vào thị trường VN bao nhiêu, nhiều hay ít và lộ trình bắt đầu từ năm nào, cổ phần họ chiến bao nhiêu phần trăm, điều đó chúng ta phải tính.
Thứ ba, chúng ta phải minh bạch hóa chính sách thương mại và phải chỉnh sửa những cơ chế, chính sách của ta cho phù hợp, ăn khớp với quy chế của WTO. Hôm nay ta ký với Hoa Kỳ chính là những nội dung đó.
Thưa Phó Thủ tướng, chúng ta có gặp những thách thức gì khi gia nhập WTO và chúng ta sẽ xử lý như thế nào?
Cái chủ yếu khi gia nhập WTO là đón nhận và tranh thủ các cơ hội chứ không phải chờ đón những thách thức. Đó là giảm bớt hàng rào quan thuế, tạo cơ hội, môi trường kinh doanh tốt hơn, thu hút đầu tư vào VN. Khi gia nhập WTO, ưu tiên hàng đầu là tận dụng các cơ hội, nhưng thách thức cũng không nhỏ.
Ta phải chỉnh sửa cơ chế chính sách và hệ thống luật pháp cho phù hợp với quy định của WTO. Quốc hội ủng hộ thời gian qua đã xây dựng, chỉnh sửa các hệ thống luật pháp đều tính đến chuyện gia nhập WTO. Tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đổi mới doanh nghiệp cả nước, công việc ta đã làm từ 4-5 năm nay, và đây là một bước chuẩn bị vào WTO.
Chúng ta đã quan tâm đến việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về những cái “được” và “mất” khi vào WTO. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Nói doanh nghiệp “mù thông tin” như một số báo đã viết là không đúng. Có điều, không phải chỉ một sớm một chiều các doanh nghiệp đều hiểu hết về khó khăn, thuận lợi khi ta vào WTO.
Tôi tin thách thức là có nhưng không nghiêm trọng vì ta đã làm nhiều việc, nhưng cũng vẫn còn nhiều việc cần làm. Vào WTO để đón nhận khó khăn, lo sợ thách thức nhiều hơn cơ hội nhận được thì chúng ta vào làm gì. Theo tôi, doanh nghiệp cần bình tĩnh để đối phó với các thách thức.
Dự đoán thực trạng nền kinh tế VN sẽ như thế nào trong 5 đến 10 năm tới, sau khi ta vào WTO?
WTO không phải là mục tiêu đưa ra để đạt. Đây chỉ là một trong những phương tiện, vận dụng tốt cùng với phương tiện trong nước như đổi mới, cải cách. Tổng hợp các nhân tố ấy lại mới tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững hơn trong 5-10 năm nữa, thực hiện cơ bản nội dung Đại hội Đảng X và cương lĩnh của Đảng ta đến 2020.
Có hàng trăm công việc khác nhau, trong đó có mục tiêu tận dụng cơ hội gia nhập WTO để bổ sung cho mục tiêu phát triển của đất nước. Mục tiêu đến năm 2010, nước ta sẽ thoát nghèo là có thể đạt được. Tôi nhắc lại - vào WTO không phải là tất cả.
Rất nhiều doanh nghiệp nghĩ: VN sẽ mở cửa, sẽ “cất cánh” sau khi gia nhập WTO, Phó Thủ tướng có khuyến cáo nào dành cho các doanh nghiệp?
Tôi khuyến cáo - đừng quá lạc quan mà cũng đừng bi quan quá. Đây không phải là thái độ chung chung mà là thái độ thực tế cần có. Tôi đã nhấn mạnh WTO sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội, nếu ta biết tận dụng, nó sẽ là cơ hội tốt. Các cơ hội không thể tự nhiên trở thành hiện thực mà phải tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của ta.
Cơ hội xuất hiện khách quan, ta phải biết tận dụng.Và, thách thức xuất hiện khách quan, ta phải biết cách né tránh. Tôi không thể khuyên cụ thể các doanh nghiệp nên làm gì, mà theo tôi quan trọng nhất đó là các doanh nghiệp hãy liên kết lại với nhau, mình đã nhỏ rồi càng phân tán càng yếu. Muốn đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn khi ta mở cửa hội nhập; các doanh nghiệp cùng ngành, nghề cần phải biết liên kết với nhau.
Với những kết quả đã có trong đàm phán song phương mà thắng lợi được thể hiện đó là sự kiện VN và Hoa Kỳ tiến hành lễ ký thỏa thuận song phương về việc VN nhập WTO giữa VN và Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng có nghĩ rằng VN sẽ chính thức gia nhập WTO vào dịp Hội nghị APEC tháng 11/2006?
Quá trình đàm phán tôi tin rằng việc này có thể làm được, đàm phán song phương đã xong trọn gói lớn rồi. Còn đàm phán đa phương, thực tế ta đã làm rất nhiều rồi, bây giờ chỉ là làm tiếp và ta và các thành viên đã hẹn nhau đến tháng 7 này sẽ tiến hành cuộc đàm phán đa phương và tôi tin rằng chúng ta có thể đàm phán kết thúc về nguyên tắc và sau đó là bước vào làm văn kiện.
Khoảng tháng 10 này, WTO sẽ có cuộc họp đại đồng, và khả năng chúng ta vào WTO rất hiện thực.
Theo Phạm Thục
Báo Sài Gòn Giải Phóng