1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gia nhập WTO: Nông dân trước cơ hội và thách thức

(Dân trí) - Hơn 60% dân số là nông dân, khoảng 70% lực lượng lao động liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, trong bối cảnh hội nhập WTO, nông dân Việt Nam sẽ phải chịu những tác động như thế nào?

Một loạt các câu hỏi đã được các chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, nông thôn giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến do báo điện tử VnMedia tổ chức sáng 30/5.

Việt Nam gia nhập WTO, ngành chăn nuôi và các công ty sản xuất phục vụ chăn nuôi có ảnh hưởng ra sao, tương lai họ sẽ như thế nào?

Bà Lê Kim Dung - Chuyên gia WTO tổ chức Oxfam: Ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO. Một trong những thách thức đó là mức độ cạnh tranh trong ngành chăn nuôi hiện tại rất là thấp cả về năng suất, chất lượng, cũng như giá cả sản phẩm. Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu, năng suất của Việt Nam hiện thấp hơn 30% so với mức sản xuất của thị trường quốc tế.

Thách thức thứ 2 Việt Nam sẽ phải đối mặt là trợ cấp của các nước giàu, ví dụ một con bò của EU được hưởng trợ cấp một ngày là 2,62 USD. Đây là một ví dụ cho thấy trình độ phát triển chênh lệch quá lớn. Ngoài ra đối với những nước không còn dùng trợ cấp chăn nuôi như Australia, hoặc New Zealand thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đương đầu với hệ thống sản xuất rất tân tiến và hiệu quả của họ.

Một thách thức nữa là Việt Nam sẽ không được tiếp cận với cơ chế tự vệ đặc biệt để chống lại những đột biến về nhập khẩu cho những mặt hàng chăn nuôi. Như vậy trong trường hợp Việt Nam mở cửa thị trường thì việc tăng số lượng nhập khẩu sẽ có nguy cơ tác động đến giá của các mặt hàng trong nước.

Cuối cùng là với cam kết hội nhập, Chính phủ Việt Nam sẽ phải cắt giảm trợ cấp nông nghiệp trong đó có trợ cấp của ngành chăn nuôi, cắt giảm thuế quan và như vậy có tác động đối với người chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi nghèo.

Gia nhập WTO, nông nghiệp Việt Nam sẽ được được gì và mất gì?

Gia nhập WTO: Nông dân trước cơ hội và thách thức - 1
  

Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo ông Phạm Quang Diệu - Viện Chính sách chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn: Khi hội nhập, những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh sẽ phát triển, những ngành yếu kém sẽ suy giảm, giúp phân bổ lại các nguồn lực hiệu quả hơn.

Như vậy xuất khẩu nông sản có lợi thế sẽ tăng trưởng mạnh do tiếp cận thị trường rộng mở, tạo điều kiện để “cải cách” các doanh nghiệp Nhà nước cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đây là xu hướng quan trọng để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh mạnh sẽ làm cho các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, xuất hiện xu hướng "phụ thuộc" vào các doanh nghiệp quốc tế.

Người nghèo đặc biệt là dân tộc vùng sâu vùng xa sẽ chịu những ảnh hưởng cụ thể nào từ WTO?

Ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc ActionAid Việt Nam (Tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các nước đang phát triển xoá đói giảm nghèo) cho rằng người nghèo ở vùng sâu vùng xa ít chịu ảnh hưởng. Nhưng chính họ lại cũng không thể tận hưởng được những thành quả của sự hội nhập, và hậu quả là họ sẽ bị tụt hậu.

Một chính sách công bằng là phải bảo đảm cho các cộng đồng phải được thừa hưởng các thành quả của sự phát triển. Đây là nhiệm vụ của chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội khác.

Khi Việt Nam gia nhập vào WTO, liệu việc cạnh tranh trong việc xuất nhập khẩu hàng nông sản có được thuận lợi hơn và có vấp phải những đạo luật chống bán phá giá?

Bà Lê Kim Dung: Khi VN là thành viên của WTO, một số các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu truyền thống như chè, hạt điều, cà phê, tiêu có điều kiện tiếp cận được với thị trường mở rộng hơn nữa và có cơ hội phát huy thế mạnh cạnh tranh.

Tuy nhiên, cái thách thức hiện tại của các mặt hàng xuất khẩu nông sản VN thì giá trị gia tăng còn rất thấp, và phụ thuộc nhiều vào yếu tố nhân công lao động rẻ. Điều này sẽ không bền vững về lâu dài.

Nguy cơ VN sẽ tiếp tục phải đương đầu với các vụ kiện bán phá giá là hoàn toàn có thực, nhất là khi VN vẫn đang bị coi là nền kinh tế phi thị trường.

Các trợ giúp nông nghiệp ở nước ta hiện nay đang ở mức nào? sau khi vào WTO, nông nghiệp còn được trợ giúp ra sao?

Ông Phạm Quang Diệu: Các trợ giúp cho nông nghiệp của chúng ta vẫn còn thấp so với cả các nước đã là thành viên của WTO, ví dụ hỗ trợ "hộp hổ phách" của chúng ta còn thấp hơn cả Thái Lan.

Nếu theo thông lệ của WTO, hỗ trợ phải thấp hơn 10%, tuy nhiên kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy chúng ta cũng không đủ tiền để hỗ trợ được mức này.

Đến nay Việt Nam đã có những cam kết gì với WTO cũng như các thành viên trong tổ chức này về vấn đề nông nghiệp?

Bà Lê Kim Dung: Việt Nam đã cam kết cắt giảm trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp ngay sau khi hội nhập. VN sẽ có 5 năm quá độ cho việc cắt giảm trợ cấp xuất khẩu dưới dạng khuyến khích đầu tư.

VN đã cam kết thực hiện những điều khoản vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) ngay sau khi hội nhập, đồng thời VN sẽ phải cắt giảm mức thuế quan đối với các mặt hàng nông nghiệp.

Hiện tại mức thuế quan bình quân trong nông nghiệp của VN là 27%, rất nhiều khả năng mức thuế này sẽ bị cắt giảm xuống khoảng 15%. Đây là mức thuế mà Trung Quốc đã phải thực hiện sau khi là thành viên của WTO, trong khi quy mô kinh tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều lần so với VN.

Một cam kết nữa là VN sẽ không được tiếp cận với cơ chế tự vệ đặc biệt (nhằm giảm thiểu tác động của đột biến nhập khẩu đối với giá cả) đối với các mặt hàng chăn nuôi như thịt lợn, thịt bò…

Nếu Việt Nam gia nhập WTO thì các chính sách bảo hộ cho nông dân nghèo có còn nữa không?

TS Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ: WTO về nguyên tắc đảm bảo hoạt động kinh doanh có tính thị trường hơn, tự do hoá thương mại hơn.

Và để đảm bảo sự bình đẳng trong thương mại giữa các nước, WTO quy định một số điều cấm đối với các hình thức trợ cấp của Chính phủ như: trợ cấp, trợ giá cho xuất khẩu. Tuy nhiên, WTO không chống lại những hỗ trợ của nhà nước như: Hỗ trợ cho vùng nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến nông, chuyển giao công nghệ, đào tạo giáo dục...

Việc hội nhập WTO sẽ khiến nông dân Việt Nam bị nhiều thiệt thòi vì nhà nước không thể trợ giá cho bà con nông dân?

Ông Phạm Quang Diệu: Đúng là chúng ta không giàu có như Hoa Kỳ và EU để hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn, tuy nhiên, nông dân Việt Nam về đại thể sẽ khá hơn chứ không phải thiệt thòi.

Chúng ta không nên có cái nhìn quá bi quan, ví dụ Trung Quốc trước khi vào WTO, rất nhiều cảnh báo và tiếng nói rất cực đoan về kịch bản xấu cho nông nghiệp, nông thôn, rằng sẽ đe doạ ổn định, kinh tế Trung Quốc thậm chí còn bị suy sụp.

Tuy nhiên sau hội nhập WTO, câu chuyện thực tế lại không hoàn toàn như vậy, một số ngành nông sản của Trung Quốc tăng vọt xuất khẩu, đe doạ cả nông sản Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ mình có thể tham khảo bài học của Trung Quốc trong vấn đề nông nghiệp nông thôn, họ đề ra chính sách tam nông - nông nghiệp, nông thôn nông dân, đầu tư mạnh vào nông nghiệp về cơ sở hạ tầng, vốn, kỹ thuật, bãi bỏ thuế và giảm phí.

Kinh nghiệm của những người nông dân và chính phủ của các nước khác khi chuẩn bị vào WTO?

Ông Phan Văn Ngọc: Kinh nghiệm của Trung Quốc là họ xây dựng các xí nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường sức cạnh tranh cho họ. Ở đây chính phủ phải đầu tư cả tiền vốn và kỹ thuật. Điều này không thể làm trong thời gian ngắn mà phải có kế hoạch trung hạn. Trung Quốc và Thái lan đã tiến hành cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp kém hiệu quả.

Đối với những vùng nông thôn ở xa, chính phủ Trung Quốc và Thái Lan tập trung vào việc sản xuất hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh. Ở một góc độ nào đó, các chính phủ này đã tiến hành quy hoạch lại các vùng sản xuất.

Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam nên chuyển hẳn sang sản xuất hàng hóa thay vì sản xuất nhỏ lẻ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thái Sơn

Dòng sự kiện: Gia nhập WTO