"Giá điện Việt Nam chỉ bằng 80% giá điện của 10 nước có cùng mức thu nhập"

(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tại Tọa đàm "Điều chỉnh giá điện, góc nhìn từ nhiều phía" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (21/3) tại Hà Nội.

Theo ông Tuấn, hiện giá điện của Viêt Nam so với 8 nước Đông Nam Á chỉ bằng 58% giá điện bình quân, thậm chí giá điện của Việt Nam còn thấp hơn Singapore, Philipines, Lào, Campuchia. Sau khi điều chỉnh, giá điện Việt Nam mới chỉ bằng 66% giá điện bình quân 8 nước Đông Nam Á.

Giá điện Việt Nam chỉ bằng 80% giá điện của 10 nước có cùng mức thu nhập - 1

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)

Giá điện Việt Nam chỉ bằng 58% giá điện 8 nước ASEAN

Theo ông Tuấn, vừa qua, có tổ chức đề nghị so sánh giá điện nước ta với các nước có mức thu nhập GDP/người giống với thu nhập GDP/người của Việt Nam, chúng tôi tập hợp 10 nước và thấy giá điện của Việt Nam hiện bằng 80% các nước này. Sau khi điều chỉnh tăng giá điện 8,36% như vừa qua, giá điện Việt Nam mới bằng 91% giá điện bình quân của 10 nước có GDP tương đương Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết: Trong lần điều chỉnh tăng giá điện 8,36%, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính để thẩm định từ các thông số đầu vào, giá nhiên liệu, tỷ giá, truyền tải, phân phối... đến giá thành để làm cơ sở cho tăng giá và nhằm tìm ra tác động của tăng giá điện với CPI, lạm phát và giảm GDP.

Ông Tuấn cho rằng, về nguyên tắc tăng giá điện phải đảm bảo hỗ trợ giá điện cho người nghèo, hộ chính sách để không tác động lớn, tái nghèo cho khách hàng sử dụng điện dưới 50kWh/tháng và dưới 100 kWh/tháng.

Ông Tuấn cũng giải thích cho việc điều chỉnh tăng giá điện tại thời điểm này bởi xét trên cơ cấu nguồn điện và tốc độ tăng trưởng điện phụ thuộc.

Ông này cho biết, năm 2011 phụ tải điên của Việt Nam ở trên 110 tỷ kWh, dự báo năm 2019 phụ tải điện có thể tăng 242 tỷ kWh. Cùng với đó, cơ cấu nguồn điện năm 2011, thủy điện cung ứng cho 40% điện năng nay chỉ còn 30,5% do nguồn nước thấp, điện than trước chiếm 18-19% nguồn điện, năm nay lên hơn 48%.

Năm 2017, năng lượng tái tạo chỉ có khoảng 13% cơ cấu điện, thời gian tới, với các cơ chế ưu đãi, nguồn điện mặt trời, sức gió, sinh khối có thể sẽ tăng lên 15 - 16%.

Hiện giá mua điện mặt trời hiện là 9,35 cent kWh (bao gồm cả ưu đãi của Chính phủ). Giá này còn cao hơn giá điện bán lẻ của chúng ta là 8 cent/kWh. Như vậy, mới đầu phát triển năng lượng tái tạo sẽ tạo sức ép về tăng giá điện, còn khi thị trường này cạnh tranh, nhiều nhà cung ứng và hết khấu hao lúc đấy sẽ giảm dần áp lực tăng giá điện.

Cần bán điện độc lập, minh bạch, bỏ bù chéo giá điện

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: Hiện Chính phủ vẫn có cơ chế bù chéo giá điện. Ngành sản xuất công nghiệp như xi măng, sắt thép đang được bù giá điện, điện công nghiệp chịu mức giá 6,8 cent, sinh hoạt hơn 8 cent, kinh doanh 10 cent...Thời gian tới, cần nghiên cứu bỏ cơ chế bù chéo đi để thị trường cạnh tranh.

Giá điện Việt Nam chỉ bằng 80% giá điện của 10 nước có cùng mức thu nhập - 2

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tài chính

"Công nghiệp đang ngốn 55% tổng lượng điện, còn lại là điện dành cho sinh hoạt, kinh doanh... Người dân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đang phải bù giá điện cho sản xuất công nghiệp. Chúng ta cần bỏ bù chéo để khuyến khích sử dụng hiệu quả điện. Ngành điện đã vận hành theo cơ chế thị trường thì các ngành khác cũng phải theo cơ chế thị trường", TS Lực nói.

Theo ông Lực, cần minh bạch hoá cả đầu vào, đầu ra của ngành điện để thị trường cạnh tranh. Người dân cần là những thông tin nôm na, dễ hiểu hơn, chứ không phải là những vấn đề tỷ giá, chi phí đầu tư cho các nhà phát điện...

Chính vì thế, ông Lực cho rằng, cần có phương thức truyền thông phù hợp giảm trừ đi kênh không chính thống đưa thông tin sai, khiến cứ mỗi lần tăng giá là xã hội chịu tác động cộng hưởng, không tốt cho tâm lý sản xuất và nhà đầu tư.

"Thông tin thế nào là minh bạch, đầy đủ, đúng thời, đúng lúc, đúng đối tượng... Minh bạch không chỉ một mình ngành điện, các bộ ngành, địa phương khác cũng phải minh bạch", ông Lực nhấn mạnh.

Theo ông Lực, dựa mỗi vào EVN thì sẽ không đủ cung cấp điện, về lâu dài cần tạo cơ chế để người dùng điện có thể ký trực tiếp với người bán điện độc lập với giá đàm phán, minh bạch như điện áp mái, thủy điện nhỏ và vừa...

"Bên cạnh đó rủi ro tỷ giá không phải mỗi riêng ngành điện hứng chịu mà các ngành khác đều có, quan trọng là chúng ta không có cơ chế có quỹ dự phòng. Chính phủ cần chỉ đạo để bộ, ngành ngồi với nhau thiết lập cơ chế dự phòng rủi ro tỷ giá của ngành điện, chứ năm nay bù năm khác thì không bền vững!", chuyên gia Lực nói.

Nguyễn Tuyền