Té nước theo mưa, chủ nhà trọ công nhân chuẩn bị tăng giá điện

Điện, than, khí đồng loạt tăng giá bán bắt đầu từ ngày 20.3, có nghĩa các nguồn nhiên liệu đầu vào thiết yếu của hàng loạt mặt hàng cùng tăng, tạo sức ép lên mặt bằng giá chung, làm dấy lên lo ngại về việc giá cả thị trường sẽ “té nước theo mưa”. Theo tìm hiểu của PV, một số chủ nhà trọ hiện đã thông báo ngay đến vấn đề tăng giá điện với công nhân thuê trọ.

Điện, than, khí đồng loạt tăng giá bán bắt đầu từ ngày 20.3, có nghĩa các nguồn nhiên liệu đầu vào thiết yếu của hàng loạt mặt hàng cùng tăng, tạo sức ép lên mặt bằng giá chung, làm dấy lên lo ngại về việc giá cả thị trường sẽ “té nước theo mưa”. Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, một số chủ nhà trọ hiện đã thông báo ngay đến vấn đề tăng giá điện với công nhân thuê trọ.

Quản lý chặt việc tăng giá các mặt hàng

Giá điện chính thức tăng ở mức 8,36% so với hiện tại, tức là giá điện bình quân sẽ là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Cùng với giá than tăng, giá khí dự định tăng, diễn biến thị trường thế giới cho thấy giá xăng cũng rất khó kiềm chế ở mức như hiện nay làm dấy lên lo ngại về việc giá cả thị trường sẽ “tát nước theo mưa”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tăng giá chắc chắn có tác động đến đời sống của người dân nói chung. Tất nhiên không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp bởi các hàng hóa khác. Để kiềm giữ được vòng xoáy tăng giá, đặc biệt là tăng giá kiểu “té nước theo mưa” một cách ồ ạt là một bài toán phức tạp nhưng chúng ta phải làm để giữ được mức lạm phát dưới 4%.

Trách nhiệm đầu tiên là vấn đề quản lý thị trường mà cụ thể là Tổng cục Quản lý thị trường phải đảm bảo kiểm tra, giám sát thường xuyên, nắm bắt tình hình thị trường. Thứ hai là trách nhiệm của cơ quan giá của Bộ Tài chính phải xây dựng chính sách về giá cả cho những mặt hàng nhà nước quản lý và mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế một cách hợp lý cho từng loại hàng, ngành hàng.

Việc kìm giữ mặt bằng giá chung còn liên quan tới các bộ ngành chức năng hiện vẫn đang quản lý hàng loạt doanh nghiệp.

Các bộ ngành này phải đánh giá chính xác mức độ tác động của giá điện với ngành hàng mình quản lý, từ đó kiểm soát các doanh nghiệp không tăng ồ ạt và bất hợp lý. Đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để cung cấp sản phẩm với mức giá chấp nhận được.

“Quản lý giá là vấn đề cực kỳ phức tạp, bởi vậy cần thiết có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ cấp trung ương tới các địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí là cấp xã , ban quản lý chợ” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm.

Té nước theo mưa, chủ nhà trọ công nhân chuẩn bị tăng giá điện       - 1

Giá điện tăng gây lo ngại sẽ dẫn đến việc giá điện với công nhân, người lao động tăng cao hơn quy định. Ảnh: P.V

Chủ nhà trọ đòi tăng giá bán điện

Với riêng ngành điện, để góp phần hạn chế giá cả thị trường “té nước theo mưa” cũng có những giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - ông Nguyễn Anh Tuấn - cũng thừa nhận đó là những giải pháp trước mắt chứ chưa phải thực sự đầy đủ. Ông Tuấn cho biết:

“EVN phải thực hiện công bố công khai về giá bán điện mới cho các khách hàng để khách hàng nắm được quy định mới. Đồng thời, các đơn vị điện lực áp giá theo đúng quyết định với đúng đối tượng để giá điện phản ánh đúng; ngoài ra, ngành điện cũng đang mở chiến dịch vận động khách hàng tham gia vào chương trình quản lý phụ tải để sử dụng điện tiết kiệm, đạt được hiệu suất cao nhất.

Trong khi đó, với biểu giá điện 6 bậc hiện đang áp dụng không thay đổi, tính toán cho thấy mức độ ảnh hưởng của các hộ sử dụng điện sinh hoạt không cao.

Cụ thể, với người sử dụng dùng dưới 50kWh, số tiền phải trả tăng thêm hơn 7.000 đồng/tháng; dùng 100kWh sẽ phải chi phí thêm 14.000 đồng; con số tương ứng với người dùng 200, 300, 400kWh là 31,600 đồng, 53.100 đồng và 77.000 đồng. Mặc dù hiện EVN có tới 25 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt song số khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 100kWh/tháng chiếm tới 35,6%; khách hàng sử dụng ở mức trên 300kWh chỉ có chưa đến 15%.

Qua khảo sát của Báo Lao Động trên địa bàn TP.Hà Nội, người dân không tỏ ra bức xúc hay quá lo lắng vì giá điện tăng, kể cả các hộ đang kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Quyên - chủ một cơ sở Spa trên đường Láng Hạ (quận Cầu Giấy) - cho biết:

“Giá điện tăng không đáng kể, với mức tiêu thụ trung bình một tháng khoảng 2,5 triệu đồng tiền điện thì sẽ mất thêm khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Mặc dù lợi nhuận kinh doanh có bị ảnh hưởng bởi chi phí điện đa tăng lên”.

Trong khi đó, chủ tiệm internet Hoàng Tuấn (quận Hoàng Mai) cho biết giá điện tăng sẽ khiến chi phí tăng song tiệm sẽ không tăng giá bởi giá của quán net được định giá trên cấu hình máy và tốc độ mạng chứ giá điện không phải vấn đề lớn. Chị Kim Dung - chủ quán internet khác tại khu vực quận Long Biên - cũng cho rằng, kinh doanh sẽ ảnh hưởng nhưng không đến mức phải tăng giá dịch vụ.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người kinh doanh dịch vụ đều xác định như vậy. Nhiều người đã nhanh chóng nhìn thấy cơ hội trục lợi với khách hàng. Chị Trúc Nhân (24 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa) - hiện đang ở trọ tại đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) - cho biết:

“Sau khi có thông báo tiền điện tăng lên 8,36% thì chủ trọ mình đã đề cập ngay đến vấn đề tăng giá điện. Bình thường phòng mình trọ có 3 người, đều đi làm và đi học nhưng tháng nào cũng hết khoảng 400.000 đồng tiền điện. Đối với những người lao động vất vả hay sinh viên thì đó là một số tiền lớn. Nếu giá điện còn tăng lên nữa, có lẽ mình phải cắt bớt số tiền sinh hoạt vốn đã ít ỏi để chi trả cho tiền điện hằng tháng”.

Trao đổi với PV về vấn đề giá điện cho người thuê trọ không được thực hiện đúng như quy định, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho rằng:

“Đó là trách nhiệm của các Sở Công Thương và khách hàng. Sở Công Thương phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát, đồng thời khách hàng gặp phải trường hợp bị tính giá cao phải báo với Sở Công Thương để tiến hành kiểm tra, xử phạt theo quy định”.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, báo cáo của các Sở Công Thương đều nhận định tình trạng người thuê trọ bị tính tiền điện giá cao đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, số liệu về các trường hợp không thực hiện đúng không được ông Tuấn công bố, cũng không cho biết có trường hợp nào bị xử phạt hay chưa. 

Theo Nhóm PV
Lao động

Té nước theo mưa, chủ nhà trọ công nhân chuẩn bị tăng giá điện       - 2