Giá dầu thô rơi thẳng đứng xuống mức chưa từng có: Dưới 0 USD/thùng!
(Dân trí) - Mặc dù từ chiều qua, giá dầu thế giới đã cho thấy đà giảm mạnh, tuy nhiên, cổ phiếu dầu khí vẫn tăng giá. Có thể, ảnh hưởng của giá dầu lên thị trường chứng khoán sẽ rõ rệt hơn trong phiên hôm nay.
Cổ phiếu dầu khí vẫn tăng khi giá dầu có xu hướng giảm mạnh
Ngày hôm qua, thị trường dầu mỏ thế giới đã chứng kiến một phiên giao dịch lịch sử với mức sụt giảm “chóng mặt” của giá dầu.
Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex “bốc hơi” 55,9 USD (tương đương 306%) và lao xuống -37,63 USD/thùng. Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Hai.
Theo ghi nhận của Dow Jones Market, đây là phiên giảm mạnh kỷ lục kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983, và hợp đồng này cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp kỷ lục.
Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 rớt 4,6 USD (tương đương giảm 18,3%) xuống 20,03 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 2,51 USD (tương đương 8,94%) còn 25,57 USD/thùng.
Nhiều khả năng, cổ phiếu dầu khí và các ngành sử dụng dầu khí là nguyên liệu đầu vào sẽ có biến động mạnh trong phiên hôm nay (21/4) sau phiên giao dịch của thị trường dầu mỏ vào đêm qua (giờ Việt Nam).
Còn tại thị trường trong nước, cho đến thời điểm chốt phiên hôm qua (20/4), cặp cổ phiếu GAS và PLX vẫn tăng giá dù xu hướng giá dầu thế giới đang giảm mạnh.
GAS tăng 1.100 đồng lên 68.800 đồng và PLX tăng 2.500 đồng lên 43.900 đồng. Theo đó, PLX và GAS lần lượt đóng góp 0,92 điểm và 0,6 điểm cho chỉ số VN-Index.
Phần lớn các mã dầu khí hôm qua đều có diễn biến tích cực. BSR tăng giá lên 6.300 đồng, PVS tăng 700 đồng lên 12.900 đồng, PVD tăng 700 đồng lên 10.500 đồng, PVT tăng 700 đồng lên 11.000 đồng; PLX tăng 1.400 đồng lên 15.700 đồng; PGS tăng 1.800 đồng lên 20.400 đồng; PXL tăng 400 đồng lên 8.300 đồng; PVB tăng 1.300 đồng lên 4.000 đồng.
Cổ phiếu hai “ông lớn" ngành bia tăng trần mạnh mẽ
Thị trường đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần trong trạng thái giằng co của các chỉ số và sự phân hoá trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.
Theo đó, trong khi VN-Index đạt tăng 5,37 điểm tương ứng 0,68% lên 794,97 điểm thì VN30-Index tăng 1,33 điểm tương ứng 0,18% lên 736,31 điểm - mức tăng khiêm tốn hơn so với VN-Index.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,78 điểm tương ứng 0,71% còn 109,68 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index tăng 0,48 điểm tương ứng 0,93% lên 52,64 điểm.
Trên quy mô toàn thị trường, số lượng mã tăng giá vẫn đang giữ ưu thế. Cả 3 sàn có 432 mã tăng, 93 mã tăng trần so với 298 mã giảm và 39 mã giảm sàn.
Riêng rổ VN30 có 12 mã tăng và 13 mã giảm, 4 mã đứng giá cho thấy rõ nét tình trạng phân hóa của nhóm bluechip.
Trong đó, nhóm tăng giá nổi trội có SAB tăng trần 11.500 đồng lên 176.900 đồng, không có có dư bán cuối phiên trong khi vẫn còn dư mua giá trần. Chỉ riêng mã cổ phiếu này đã đóng góp tới 2,1 điểm cho VN-Index.
Ngoài ra, VIC, VCB,VNM, HPG, PNJ… hôm qua cũng tăng giá. Đáng chú ý, ngoài rổ VN30, một số mã hàng không/dịch vụ sân bay tăng giá rất mạnh. HVN tăng trần 1.800 đồng lên 27.650 đồng, không còn dư bán. MAS tăng trần 3.200 đồng lên 35.200 đồng; SAS tăng giá 2.300 đồng lên 28.500 đồng; ACV tăng 6.300 đồng lên 62.000 đồng.
Tương tự SAB, cổ phiếu BHN của Habeco cũng diễn biến rất tích cực, tăng trần 11.500 đồng lên 176.900 đồng, không có dư bán cuối phiên.
Chiều ngược lại, MSN giảm 1.200 đồng còn 59.400 đồng; BVH giảm 600 đồng còn 47.850 đồng, VPB, MBB, BID, VRE, CTG, VJC… cùng giảm.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 800-820 điểm. Tuy nhiên, nhóm phân tích lưu ý rằng, chỉ số có thể gặp phải áp lực rung lắc và điều chỉnh khi tiếp cận vùng cản này trong một vài phiên kế tiếp.
Dòng cổ phiếu dẫn dắt và vốn hóa lớn đang có dấu hiệu chững lại ở các vùng giá cao sau một nhịp tăng trưởng mạnh về giá. Dòng tiền đang có sự dịch chuyển đến các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều thuộc nhóm midcap và penny.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý 1 và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng, qua đó khiến cho áp lực chốt lời có thể gia tăng mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu đã trải qua một nhịp hồi phục mạnh và giá hiện đang tiếp cận các vùng kháng cự.
BVSC khuyến nghị, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì nắm giữ vị thế hiện có và thực hiện bán chốt lời dần từ vùng 790 đến 820 điểm.
Mai Chi