Giá dầu giảm sâu: PVN lo “bay” vài tỷ USD doanh thu, “đại gia" khác báo lỗ
(Dân trí) - Theo tính toán của PVN, trong trường hợp giá dầu trung bình cả năm giảm xuống còn 30 USD/thùng so với mức giá dầu được Quốc hội thông qua, doanh thu bán dầu của PVN giảm khoảng 2,35 tỷ USD.
Giá dầu giảm xuống dưới 30 USD/thùng, doanh nghiệp lao đao
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chiều 20/3, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá tổng thể và đưa ra các giải pháp tháo gỡ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp.
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than đã có những đánh giá tác động cụ thể, đồng thời nêu thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác, sản xuất kinh doanh xăng dầu thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ dầu khí và than, tại Nghị quyết số 86 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, phương án giá dầu thô năm 2020 được thông qua là 60 USD/thùng.
Tuy nhiên giá dầu Brent trung bình tháng 1/2020 là 55,8 USD/thùng, riêng đến ngày 20/3 thì xuống chỉ còn 29 USD/thùng. Còn dầu WTI trung bình tháng 1 là 51,1 USD/thùng, riêng đến ngày 20/3 thì chỉ còn 26,3 USD/thùng.
Với mức giảm rất sâu như vậy, lãnh đạo Vụ dầu khí và than cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực đang đối mặt với những khó khăn rất lớn.
Theo tính toán của PVN, trong trường hợp giá dầu trung bình cả năm giảm xuống còn 30 USD/thùng so với mức giá dầu được Quốc hội thông qua, doanh thu bán dầu của PVN giảm khoảng 2,35 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 800 triệu USD.
Không chỉ khai thác dầu thô, ông Nguyễn Việt Sơn cho biết hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu trong nước cũng gặp khó.
“Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu chịu tác động kép, giá dầu giảm sâu làm giá sản phẩm xăng dầu giảm sâu, đồng thời nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên 30% do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”, ông Sơn cho biết.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và than, hiện tại tồn kho xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn mức rất cao, khoảng 70-80%.
Do yếu tố tồn kho và khoảng cách chênh lệch giữa giá sản phẩm với giá dầu thô thấp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) tháng 2/2020 lỗ 313 tỷ đồng, luỹ kế 2 tháng đầu năm 2020 lỗ 228 tỷ đồng.
Ngoài ra, do dịch Covid-19 khiến giá dầu giảm làm ảnh hưởng đến giá cung cấp của các giàn khoan khi tái ký hợp đồng, đối tác sẽ yêu cầu đàm phán lại giá.
Bên cạnh đó, các giàn khoan hiện đang cung cấp cho khách hàng nước ngoài, nếu dịch bệnh kéo dài, các cửa khẩu đóng cửa ngừng các chuyến bay quốc tế... sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn.
Ứng phó ra sao?
Về giải pháp ứng phó, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than cho rằng cần xây dựng ngay các giải pháp tài chính, đầu tư tổng thể trong toàn PVN để ứng phó kịp thời với những biến động xấu nhất của giá dầu năm 2020. Xây dựng các hạng mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu. Tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư các dự án chưa thật sự cấp bách.
Vụ trưởng Nguyễn Việt Sơn cho hay, với giá dầu thô (Brent) ở mức khoảng 30 USD/thùng như hiện nay, nhiều lô hợp đồng dầu khí sau khi nộp các loại thuế, doanh thu không đủ bù chi phí.
Tuy nhiên, do đặc thù của các hoạt động dầu khí ngoài khơi thường có các hợp đồng dài hạn nếu dừng sản xuất vẫn phải trả chi phí dẫn đến việc dừng sản xuất thiệt hại nhiều hơn.
“PVN cho rằng vẫn cố gắng duy trì khai thác tại hầu hết các dự án. Đồng thời triển khai các công việc sau: Rà soát tổng thể các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sạch tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, ông Sơn cũng kiến nghị việc một lượng dầu thô và sản phẩm tồn kho vào dự trữ quốc gia.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng giá dầu dưới 30 USD/thùng thì không có mấy doanh nghiệp có thể “chịu được”. Vấn đề tài chính của các tập đoàn này sẽ như thế nào, tác động chi tiết ra sao, cần được làm rõ và có giải pháp kịp thời.
Ông Hưng nhấn mạnh, cần có các biện pháp làm sao hài hoà lợi ích cả cả nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá xem lợi ích việc giảm giá dầu là gì, có thể tận dụng như thế nào để đem lại tác động tích cự cho nền kinh tế như việc xăng dầu giảm sẽ khiến chi phí vận tải giảm…
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Dầu khí và than có những đánh giá cụ thể hơn về tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm tới PVN, các đầu mối xăng dầu, chuỗi chế biến sản xuất xăng dầu... Đồng thời dự báo diễn biến giá xăng dầu tiếp theo và có những kiến nghị về giải pháp thích hợp.
Nguyễn Mạnh