Giá dầu xuống thấp nhất một năm, dự báo năm tới ra sao?

Nhật Linh

(Dân trí) - Triển vọng về nhu cầu dầu tiếp tục xấu đi khiến giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Giá dầu WTI giao tương lai kỳ hạn tháng 1 chốt phiên hôm qua (28/11) đã trở lại mức 77,24 USD/thùng sau khi rơi xuống mức 73,6 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Lúc 7h20 sáng nay, trên trang Oil Price, dầu WTI giao dịch tại thị trường châu Á có giá 76,31 USD, giảm 0,93 USD so với chốt phiên hôm qua, tương đương giảm 1,2%.

Giá dầu Brent cũng còn 83,19 USD/thùng, giảm 0,53% so với chốt phiên hôm qua. Trước đó, trong phiên 28/11, giá dầu Brent cũng đã xuống mức 80,61 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1.

Giá xăng bán lẻ tại các cây xăng ở Mỹ cũng đã giảm đáng kể và có thể còn rẻ hơn so với năm ngoái khi vào dịp Giáng sinh. Trong ngày hôm qua, giá xăng trung bình tại Mỹ là 3,546 USD/gallon, giảm so với mức 3,662 USD/gallon cách đây 1 tuần song vẫn cao hơn so với mức 3,394 USD/gallon cách đây 1 năm, theo AAA.

Giá dầu xuống thấp nhất một năm, dự báo năm tới ra sao? - 1

Giá xăng của Mỹ đã giảm đáng kể và dự báo còn rẻ hơn vào dịp Giáng sinh (Ảnh: NBC).

Yếu tố bất ngờ từ Trung Quốc

Các đợt phong tỏa Covid-19 mới nhất của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể triển vọng của giá dầu. Trước đó, một số chuyên gia dự đoán giá dầu có thể trở lại mốc 150 USD/thùng hoặc hơn khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn nóng.

Tuy nhiên, thông tin tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã rũ sạch mọi thành quả tăng giá trong năm qua của giá dầu. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ đã tăng 70% trong năm qua sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra khiến dầu WTI vọt lên mốc 130 USD/thùng vào cuối tháng 3.

Ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Citigroup cho rằng, suy thoái trên toàn thế giới, đặc biệt ở 3 nền kinh tế lớn, đang thống trị môi trường vĩ mô trong cả năm. Theo ông, thời gian tới vẫn còn tương đối khó khăn.

Với những diễn biến mới nhất của thị trường và tác động đến các nền kinh tế lớn, ông Morse cho rằng, các dự báo của ông đang lạc quan thái quá. Vào cuối quý III, ông Morse đã điều chỉnh triển vọng giá dầu sẽ ở mức cao hơn dựa trên việc OPEC+ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá và lệnh cấm dầu Nga của châu Âu.

Thị trường hiện đang tập trung vào hai vấn đề có khả năng khiến giá dầu cao hơn là lệnh cấm nhập khẩu Nga bằng đường biển của châu Âu có hiệu lực từ ngày 5/12 và việc EU dự kiến công bố giá trần đối với dầu thô Nga.

Tuy nhiên, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc cùng các đợt phong tỏa mới nhất ở nước này đã tác động đến nhu cầu dầu, lấn át cả những lo ngại về nguồn cung hiện nay.

Hiện các chuyên gia cũng đang tập trung vào yếu tố OPEC+, bao gồm cả Nga. Trước đó, hồi tháng 10, nhóm này đã gây bất ngờ cho thị trường khi thông qua việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.

Giá dầu xuống thấp nhất một năm, dự báo năm tới ra sao? - 2

Các chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ còn giảm tiếp song sẽ tăng trở lại trong năm 2023 (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi đang chờ xem liệu họ có dấu hiệu cắt giảm sâu hơn nữa không. Đã có tin đồn về điều đó trên thị trường", ông John Kildufff, đối tác tại Again Capital nói.

Theo ông, mục tiêu của dầu WTI lúc này là dưới 60 USD/thùng. "Tất cả phụ thuộc vào những gì diễn ra ở Trung Quốc. Trung Quốc là yếu tố quan trọng phía cầu cũng như OPEC+ là yếu tố quan trọng phía cung", ông Kilduff nói.

Giá dầu trong năm tới ra sao?

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều kỳ vọng giá dầu sẽ tăng trong năm tới. JPMorgan dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 90 USD/thùng trong năm 2023.

Trong khi đó, Morgan Stanley cho rằng giá dầu sẽ trở lại mức cao hơn vào giữa năm 2023, sau khi Trung Quốc kết thúc các đợt phong tỏa.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng này, thị trường sẽ dư cung không đáng kể trong những tháng tới, do đó giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng giữa mức 80 USD/thùng đến đầu mức 90 USD/thùng. Tuy nhiên, thị trường sẽ trở lại cân bằng trong quý II/2023 và tình trạng thiếu cung sẽ trở lại trong nửa năm sau 2023. "Với việc dư cung hạn chế, chúng tôi dự báo dầu Brent sẽ trở lại mốc 110 USD/thùng vào giữa năm sau", nhóm phân tích của Morgan Stanley cho biết.

Ông Kilduff cũng cho rằng OPEC+ sẽ không tạo ra tác động lớn đối với thị trường trong năm nay bằng việc cắt giảm nguồn cung, mặc dù điều này vẫn có khả năng xảy ra. Ngoài ra, còn một yếu tố khác thúc đẩy giá dầu là cuộc chiến ở Ukraine leo thang.

"Tôi không lo việc OPEC+ cắt giảm nguồn cung vì thực tế hầu hết các nước này sẽ cắt giảm nữa. Mọi người đều đã đạt đến hạn ngạch của mình. Đó chỉ là một trò chơi của những con số", ông Kilduff nói.

Ông Morse cho rằng động lực của thị trường đã thay đổi và tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ nhỏ hơn tỷ lệ phần trăm của tăng trưởng GDP. "Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng toàn cầu".

Tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc cũng thấp hơn dự đoán. "Chúng tôi nghĩ rằng nhu cầu dầu sẽ tăng 3,4 triệu thùng trong năm nay, nhưng thực tế chỉ tăng 1,7 triệu thùng", ông Morse nói.