"GDP của Việt Nam có thể tăng hơn 6,5% trong năm 2015"

(Dân trí) - ANZ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả hai năm 2015, 2016 sẽ đạt mức 6,5%, thậm chí, trong năm nay, tốc độ tăng trưởng có thể cao hơn do những kết quả đột phá đã đạt được vào quý I.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2010 đến nay và dự báo của ANZ trong hai năm 2015 và 2016
Tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2010 đến nay và dự báo của ANZ trong hai năm 2015 và 2016

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Những vụ “buôn lậu” tai tiếng của phi công, tiếp viên Vietnam Airlines

* Nền kinh tế nhóm G20 đang phục hồi song không đồng đều

* Hà Nội được ưu ái, tại sao vẫn kém?

* Kinh tế Việt Nam sau 40 năm tái thiết dưới góc nhìn quốc tế

* Giảm nghèo của VN là kinh nghiệm cho thế giới

* Phó Thủ tướng: Tránh điều chỉnh dồn dập, cùng lúc các mặt hàng thiết yếu

Ngân hàng ANZ  ngày 17/4 vừa công bố Báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế Việt nam. Theo đó, tại báo cáo này, ANZ giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,5% (so cùng kỳ) cho cả hai năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, ANZ cũng mở ra nhận định, cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng tăng cao hơn nữa do những kết quả cao hơn dự kiến trong quý I/2015.

Trong quý I vừa rồi, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã vượt dự đoán với 6,03% (so cùng kỳ quý I/2014) cho thấy nhu cầu nội địa đã bắt đầu phục hồi. Thông thường, quý I thường là thời điểm tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong năm còn quý IV mới là thời điểm kinh tế tăng trưởng mạnh nhất. Góp vào thành quả này phải kể đến mức tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp. Trong quý I, ngành này đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua với mức 9% so cùng kỳ. Đồng thời với đó là sự gia tăng mạnh của sản lượng công nghiệp, ở mức  bình quân 11,4% so cùng kỳ, cao hơn mức 5,1% của năm 2014.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, ngành sản xuất trong 3 tháng đầu năm đã tăng trưởng 12,7% so cùng kỳ. Mặc dù xuất khẩu giảm song ngành lắp ráp sản xuất linh kiện điện tử vẫn có mức tăng trưởng bình quân 16,4% so cùng kỳ. Những hạng mục liên quan đến ngành xây dựng cũng gia tăng, qua đó cho thấy sự phục hồi của khu vực xây dựng và bất động sản.

Chỉ số tiêu dùng nội địa trong nước đang dần hồi phục. Tăng trưởng doanh số bán lẻ và phương tiện giao thông đã ở mức cao nhất so với năm ngoái. Trong đó, doanh số bán lẻ quý I/2015 tăng 12,8% so cùng kỳ do lạm phát ở mức thấp. Trong khi đó, doanh số bán lẻ ô tô 2 tháng đầu năm tăng 68% so cùng kỳ lên mức 25.000 xe - đây cũng là mức doanh số 2 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2007. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) của người Việt Nam do ANZ-Roy Morgan tổng hợp trong quý I/2015 với 142,3 điểm, cao hơn mức bình quân năm 2014 là 133,3 điểm.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2010 đến nay và dự báo của ANZ trong hai năm 2015 và 2016
Diễn biến giá dầu trên thế giới sẽ còn tác động mạnh tới chỉ số CPI của Việt Nam trong 2015 (ảnh: IBTimes)

Lạm phát bình quân quý I duy trì mức thấp 0,74% chủ yếu nhờ giá thực phẩm ổn định (chỉ tăng khoảng 2,14% so cùng kỳ) và giá xăng dầu giảm. Theo ANZ, giá dầu thế giới giảm mạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lạm phát trong ít nhất là 6 tháng nữa, qua đó tác động tích cực đến lạm phát cả năm 2015.

Thâm hụt thương mại đang được thu hẹp lại với mức thâm hụt từ đầu năm đến nay ở mức 1,8 tỷ USD. Nhập khẩu tăng 15,5% từ đầu năm, cao hơn mức 6,4% của xuất khẩu. Trong đó, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đầu là linh kiện, máy móc (tăng 42,4% so cùng kỳ).

Mặc dù vậy, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì Việt Nam đang có khoản thặng dư thanh toán 2,8 tỷ USD cho thấy chủ yếu máy móc nhập khẩu được tài trợ bởi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong 3 tháng đầu năm này, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam với mức 1,7 tỷ USD. Trong đó, FDI đăng ký mới đạt 1,1 tỷ USD với tổng cộng 267 dự án mới và tổng vốn tăng thêm là 621 triệu USD vào 102 dự án. Giải ngân FDI đạt 3.050 triệu USD trong quý I/2015, cao hơn mức 2.850 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Việc vốn FDI tiếp tục đầu tư vào ngành sản xuất sẽ khiến nhập khẩu gia tăng trong trung hạn song đầu tư vào năng lực sản xuất sẽ thúc đẩy ngành sản xuất nội địa tăng trưởng trong dài hạn.

Cũng theo cập nhật của ANZ, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2014 đã đạt 1,9% (cao hơn mức 1,35% cùng kỳ 2014). Kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm 2015 là 13-15%, cao hơn mức 12-14% của năm ngoái. Mặc dù mức tăng trưởng này là tương đối cao, nhưng ANZ cho rằng thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ được kiểm soát tốt. 

Tỷ lệ lãi suất liên ngân hàng đã tăng đáng kể từ tháng 10/2014. Trong quý I/2015, lãi suất liên ngân hàng bình quân ở mức 3,89%, cao hơn mức 2,94% của năm 2014. Trên thực tế, trong 2 tuần đầu tiên của tháng 4, tỉ lệ lãi suất liên ngân hàng đã đạt tới 4,75% (lãi suất trên thị trường mở OMO là 5%). Điều này cho thấy, nhu cầu tín dụng nội địa đã có sự cải thiện.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”