Quảng Nam:
Gặp cựu chiến binh làm giàu nhờ nuôi bồ câu
(Dân trí) - Với bản lĩnh cần cù, chịu khó của người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh Ngô Đình Sáu (trú thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi bồ câu thương phẩm.
Trở về từ chiến trường K (Campuchia) năm 1983, ông Sáu bắt đầu nuôi gà, tuy nhiên khi khởi nghiệp mô hình này không gặp nhiều suôn sẻ.
Không nản lòng, ông quyết tìm đường khác để mưu sinh. Biết đồng đội của mình đang thành công với mô hình nuôi bồ câu ở tận miền Tây, ông tìm đến học hỏi. Năm 2000, ông trở về địa phương và bắt đầu nuôi thử nghiệm. Ông tự tay đan lồng sắt, sau đó mua 15 cặp bồ câu giống về nuôi theo cặp (mỗi một lồng nhốt 1 bồ câu trống và 1 mái). Từ 15 cặp ban đầu, ông duy trì nuôi và đến nay số lượng lên đến 1.000 cặp.
Ông Sáu cho biết: “Nuôi bồ câu rất khó. Người nuôi cần phải chăm sóc thật kỹ mới có thể thu lợi được. Nếu đặt hàng những chiếc lồng nuôi thì chi phí sẽ rất cao, lợi nhuận thu được cũng bị giảm đi. Chính vì vậy, bằng những kinh nghiệm học được, tôi tự thiết kế những chiếc lồng để nuôi, khi hư hỏng mình cũng có thể sửa chữa được”.
Ông cũng cho hay, bồ câu là loại ít xảy ra dịch bệnh, nhưng không phải không có, cần phải thiết kế chuồng trại hợp lý, sạch sẽ, khô thoáng mới đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, nếu không cho bồ câu uống nước đúng giờ, đảm bảo độ ấm… thì bồ câu sẽ không đẻ được. Mùa nắng thì nên cần cho uống thêm vitamin C nhằm tăng sức đề kháng, mỗi năm cho bồ câu sổ giun từ 1-2 lần. Tóm lại, người nuôi phải có đủ kiên nhẫn mới thành công.
Trung bình mỗi cặp bồ câu một tháng rưỡi sinh sản một lần, mỗi lần 2 con, 20 ngày sau có thể bán thịt. Mỗi cặp bồ câu giá thị trường hiện nay dao động từ 90-110 ngàn đồng/cặp. Mỗi lần xuất chuồng 1.000 cặp, ông thu về trên dưới 100 triệu đồng.
Ông Sáu chia sẻ, ưu điểm của bồ câu là không cần diện tích chuồng trại rộng, tiêu thụ ít thức ăn, chủ yếu là cám viên cho gà và gạo lức (theo tỉ lệ 50:50). Bồ câu cũng khá hợp với khí hậu miền Trung, khả năng miễn dịch cao nên ít nhiễm bệnh… Ông cũng cho biết, giống này sinh sản nhiều, một năm trung bình mỗi cặp đẻ từ 7-8 lứa, tuổi sinh sản kéo dài từ 4-5 năm nên khả năng thu hồi vốn nhanh.
Ông Sáu đã cho xây dựng hẳn một trại gây giống bồ câu với số lượng vài trăm con, chuyên cung ứng bồ câu cho một số tỉnh, thành trong nước. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu “Sáu bồ câu” được đông đảo khách hàng biết đến. Nhiều người cũng tìm đến học hỏi, nghiên cứu đều được ông chỉ dạy tận tình.
Ông cũng là nông dân nhiều năm liền đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, huyện… Người cựu chiến binh năng nổ, cần mẫn và sáng tạo trong thời bình, tự lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Trao đổi với PV, ông Lương Văn Hải (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thị xã Điện Bàn) nhận xét: “Đồng chí Ngô Đình Sáu là một cựu chiến binh anh dũng trong thời chiến và cần mẫn, sáng tạo trong thời bình. Mô hình nuôi bồ câu của đồng chí không những giúp phát triển kinh tế gia đình, còn là địa chỉ cho nhiều người đến tham quan học hỏi, đặc biệt là những đồng chí Cựu chiến binh có mong muốn tự mình vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
N.Linh