Gạo Việt đang bị cạnh tranh toàn diện
(Dân trí) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong cuộc trao đổi với phóng viên ngày 1/6. Theo Thứ trưởng: gạo Việt Nam xuất khẩu (XK) bị cạnh tranh cả về giá, chất lượng lẫn thị trường nhập khẩu.
“Các nước sản xuất gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan và ngay cả Campuchia cũng đang cạnh tranh trực tiếp về giá với gạo Việt Nam. Lợi thế về giá của gạo Việt Nam có nhưng đang bị dồn vào thế phải cạnh tranh ở các thị trường XK truyền thống lẫn thị trường trung lập (còn dư địa cạnh tranh). Thị trường Trung Quốc, Philipines, Châu Phi vốn tiêu thụ từ 30 – 50% gạo Việt Nam nhưng gạo Việt cũng đang bị cạnh tranh rất mạnh bởi các đối thủ trên. Lượng gạo XK của Việt Nam vào các thị trường này đang giảm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.
XK gạo giảm do các nguyên nhân như: Indonesia, Philippines - những thị trường XK gạo lớn của Việt Nam đang tự chủ sản xuất gạo. Gạo tồn kho XK của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đang lớn và cạnh tranh quyết liệt với gạo Việt Nam tại các thị trường có dư địa tốt như Trung Đông, Châu Phi, Myanmar. Gạo Campuchia đang xâm nhập và cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam tại Trung Quốc, EU.
Để ổn định thị trường thu mua, XK và hạn chế tác động đến người nông dân trồng lúa. Từ ngày 1/6, VFA đã điều chỉnh giá sàn gạo XK của Việt Nam, theo đó các loại gạo 25% tấm là 325-335 USD/tấn, gạo 5% tấm đạt khoảng 350-360 USD, gạo trắng 5% tấm là 350 USD/tấn. Với mức sàn mới, giá gạo Việt Nam vẫn thấp hơn từ 20 – 40 USD/tấn đối với các loại gạo của Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Mặc dù lợi thế giá rẻ nhưng theo VFA điểm cốt yếu vẫn là chất lượng gạo còn thấp, nếu Việt Nam không giải quyết điểm này, lượng XK dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm.
Về một số đề xuất tăng thêm quyền XK gạo cho các DN để tăng lượng cung và đơn hàng XK gạo sang các nước thay vì phụ thuộc chính vào các Tổng công ty Vinafood 1, Vinafood 2, các đơn vị khác, Thứ trưởng Tuấn Anh khẳng định: Bộ cũng có biết quan điểm này và nhận định rằng hơn 150 DN XK gạo hiện nay đã và đang làm tốt thị trường.
“Trước đây chúng ta có hơn 300 DN XK gạo nhưng giá trị kim ngạch và khối lượng XK cũng không lớn hơn so với 150 DN như hiện nay. 150 DN được cấp phép XK gạo hiện là DN đủ sức mạnh tài chính cũng như nguồn nguyên liệu và có khách hàng lâu năm. Để quá nhiều DN không có đủ năng lực tham gia, dễ dẫn đến thao túng, làm giá hoặc bát nháo thị trường gạo. Chính phủ ban hành 109/2010/NĐ-CP từ năm 2010, chúng tôi đang dựa theo Nghị định này để cấp phát giấy phép cho các DN XK nên không có chuyện độc quyền XK gạo”, ông Tuấn Anh cho biết.
Tình hình XK gạo năm 2015 được VFA nhận định là khó khăn, XK gạo dự kiến cả năm chỉ đạt 6,7 triệu tấn, giảm 0,8 triệu tấn so với năm 2014 (7,5 triệu tấn). Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thị trường gạo thế giới phân khúc rất rõ nên cần tập trung nghiên cứu kỹ để đánh giá lại sản xuất, sản phẩm phù hợp với thị trường, người tiêu dùng tại các thị trường.