Hiến kế để gạo Việt thành thương hiệu hàng đầu thế giới

(Dân trí) - Đề án đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới vào năm 2030 đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, để đề án trở thành hiện thực, còn cần rất nhiều bước đi và hành động quyết liệt.

Hiến kế để gạo Việt thành thương hiệu hàng đầu thế giới
Để gạo Việt thành thương hiệu thế giới, Việt Nam cần cải cách và thực hiện nhiều đột phá chính sách phát triển ngành này hơn nữa

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA
 
Tại buổi công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2015 với chủ đề  “Tiềm năng hội nhập Thách thức hòa nhập” được công bố sáng 28/5 nhóm các chuyên gia, học giả đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã chỉ rõ những bất cập của ngành sản xuất lúa gạo đồng thời đưa ra các giải pháp cần tháo gỡ để đề án trên thành thực tế. 

TS Thành khẳng định: “Đây là những điểm nghẽn cần được tháo gỡ ngay bởi đề án đã được phê duyệt và ngành sản xuất lúa gạo đang là một trong những ngày sản xuất nông nghiệp quan trọng hàng đầu, có tác động đến đời sống của người dân, an ninh lương thực và thế mạnh quốc gia”. 

Theo các tác giả của VEPR, để gạo Việt thực sự trở thành mặt hàng quốc gia, chúng ta cần phải xây dựng cải cách các nhóm vấn đề: vốn cho phát triển, bộ tiêu chuẩn quốc tế về gạo, xây dựng chiến lược và tầm nhìn thị trường…

Báo cáo chỉ rõ, dù Việt Nam là nước có lợi thế về sản xuất lúa gạo nhưng từ năm 1980 đến nay, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam vẫn chưa thể khiến người nông dân làm giàu và yên tâm với nghề được. Giá gạo rẻ, thị trường xuất khẩu bấp bênh và điển hình là đầu ra cho hạt gạo đang phụ thuộc rất lớn vào thương lái và một vài thị trường xuất khẩu chính.

Với người nông dân trực tiếp sản xuất lúa, vấn đề họ cần chính là vốn và đầu ra cho hạt gạo. VEPR khuyến cáo cần xây dựng cơ chế tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân để họ thực sự yên tâm với nghề và phát triển bền vững ngành này. Bên cạnh đó, để có sản lượng lớn, năng suất cao cần bãi bỏ quy chế hạn điền, khuyến khích tịch tụ ruộng đất để trồng lúa với quy mô lớn nhằm ứng dụng các tiến bộ về cơ khí và khoa học kỹ thuật vào canh tác. Bên cạnh đó, đối với những hộ nông dân nhỏ bán ruộng đất cần hỗ trợ  để họ chuyển sang ngành nghề khác…có thu nhập tốt hơn.

"Để hạt gạo trở thành thương hiệu quốc gia, ngay từ lúc này ngành lúa gạo Việt Nam cần thay đổi định hướng lớn, chú trọng vào thị trường nội địa, bãi bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) trong tiêu thụ gạo, xây dựng và hoàn thiện bộ qui trình chuẩn về chế biến và xay xát gạo...”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định. 

Về mặt thị trường, các chuyên gia của VEPR chỉ rõ trong dài hạn cung xuất khẩu gạo có khả năng sẽ lớn hơn cầu bởi nhiều quốc gia đang nhập khẩu gạo như Philippines và Indonesia đang nỗ lực đầu tư mạnh cho ngành lúa gạo để sớm tự túc; trong khi đó, một số quốc gia tiềm năng đang gia tăng năng suất trồng lúa như Ấn Độ, Campuchia và Myanmar. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ gạo tại các quốc gia châu Á lại chuẩn bị đạt đỉnh và sẽ có xu hƣớng đi ngang hoặc giảm nhẹ từ 2030. 

Thêm nữa, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và họ chủ yếu nhập khẩu gạo cấp thấp. Ngoài Trung Quốc, còn có các nhà nhập khẩu gạo lớn khác của Việt Nam là Malaysia, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, các thị trường này cũng chủ yếu nhập khẩu gạo giá rẻ, chất lượng thấp. 

Theo VEPR, gạo Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự phát triển bền vững như giá gạo xuất khẩu ở mức thấp và luôn bấp bênh, tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường; gia tăng nguy cơ đất trồng bị thoái hoá; đời sống người nông dân chưa thực sự được cải thiện... 

Chính vì vậy, đã đến lúc, Việt Nam cần phải xem xét lại định hướng lớn của toàn ngành nhằm phù hợp với đặc điểm thị trường lúa gạo thế giới. Đồng thời, cần có những chính sách phù hợp, dựa vào lực lượng thị trường lúa gạo trong nước, nhằm nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo, tạo cơ sở phát triển ngành lúa gạo một cách bền vững.

Hai vấn đề liên quan đến chuỗi sản xuất đó là tuân thủ các quy chuẩn về xay xát gạo và bãi bỏ thuế VAT (giá trị gia tăng) trong tiêu thụ nội địa cũng được các chuyên gia của VEPR đề cập. 

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, ngành sản xuất, xay xát, chế biến và xuất khẩu gạo cần tuân thủ theo các tiêu chuẩn thế giới từ: giống, chăm sóc, thu hoạch, xay sát… Thị trường nội địa cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam.  Mặt khác, Việt Nam cần bãi bỏ thuế VAT tiêu thụ gạo trong nước tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Đồng thời cân nhắc xác định khấu hao các khoản liên quan đến đầu tư thủy lợi, hạ tầng, tiến tới tính đúng và đủ các khoản này vào giá thành sản phẩm lúa gạo, đặc biệt đối với lúa gạo xuất khẩu.

Nguyễn Tuyền
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”