1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xuất khẩu gạo: Rủi ro cao khi xuất đường tiểu ngạch

(Dân trí) - Chia sẻ về tình trạng ùn tắc mặt hàng gạo tại cửa khẩu Lào Cai, ông Lê Biên Cương – Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và Miền núi cho biết, hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc không tránh khỏi những rủi ro.

Xuất khẩu gạo: Rủi ro cao khi xuất đường tiểu ngạch
Xuất khẩu mặt hàng gạo từ đầu năm đến nay đạt gần 1,5 triệu tấn, giảm 15% lượng 19% về giá. Tồn kho tính đến thời điểm này ở mức 1.730.000 tấn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo ông Cương, nguyên nhân là nếu xuất khẩu qua cửa khẩu chính thì thuế suất của mặt hàng gạo là 17%, ngoài ra còn bị kiểm soát chặt chẽ từ tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu qua đường tiểu ngạch với các chính sách biên mậu. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu chính không có, xuất qua cửa phụ lại bị ùn ứ.

Lãnh đạo Vụ Thương mại biên giới và Miền núi cho rằng, vấn đề đặt ra là cần xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ; Khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu qua các cửa khẩu chính, vì Việt Nam giáp danh với nhiều cửa khẩu nên phải tạo cơ chế điều hành cho doanh nghiệp tận dụng chính sách thương mại biên giới.

Trước tình trạng hàng hóa ùn ứ, Vụ Thương mại biên giới và Miền núi đã phối hợp với Sở Công Thương Lào Cai huy động kho chứa tích trữ lương thực. Đối với các xe tải không tích trữ được huy động các phương tiện có thể che phủ được tránh làm sản phẩm bị hỏng; Ký kết hàng hóa dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đại diện Vụ Thương mại biên giới và Miền núi cũng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Chia sẻ thêm về xuất khẩu gạo, ông Trần Vinh Nhung – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, gạo là mặt hàng quan trọng nhưng năm nào cũng có tồn hàng và phụ thuộc vào sự phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bởi điều kiện được đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là phải có kho bãi, nhà máy chế biến.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, vấn đề đặt ra hiện nay đối với mặt hàng gạo dư thừa là phải làm thế nào để các doanh nghiệp cùng tham gia xuất khẩu chứ không qua trung gian thì xuất khẩu mới được đẩy nhanh. Mặc dù chúng ta đã có xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” nhưng phải có linh hoạt trong thời điểm này, bởi lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp đang lớn. Sở Công Thương TPHCM cũng đề nghị, đối với mặt hàng gạo vẫn theo sự quản lý chung của Bộ Công Thương và VFA. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có thị trường và có bạn hàng nên linh hoạt để đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện VFA cho biết, tình hình xuất khẩu mặt hàng gạo từ đầu năm đến nay đạt gần 1,5 triệu tấn, giảm 15% lượng 19% về giá. Tồn kho tính đến thời điểm này ở mức 1.730.000 tấn. Hiện nay đã hoàn thành 1.000.000 tấn tạm trữ. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn là Trung Quốc, tiếp đến là Philippins, Châu Phi, v.v…

Thời gian gần đây giá xuất khẩu giảm sâu, kéo theo giá trong nước giảm. Tuy nhiên việc tác động của quá trình giảm giá này chưa ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp bởi lượng gạo tạm trữ chưa tiêu thụ được. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều phiên họp chuyên về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với nhiều giải pháp cụ thể. Hiệp hội đang đợi văn bản chính thức về vấn đề này.

Trả lời thắc mắc của Sở Công Thương TPHCM về việc cấp hạn ngạch đối với mặt hàng gạo, lãnh đạo VFA cho biết, hiện nay việc xuất khẩu gạo được thực hiện theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP, không có hạn ngạch mà chỉ có giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương cấp cho từng doanh nghiệp chứ VFA không phải là đơn vị cấp cho mặt hàng này.

Trước các vấn đề liên quan đến việc tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa cũng như các vấn đề liên quan đến xuất khẩu tiêu ngạch bị ách tắc tại các cửa khẩu trong thời gian qua, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nhà nước có những cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận thị trường, sản xuất, chế biến, tiêu thụ tạo ra môi trường cạnh tranh, mở cửa thị trường.

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm