1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gần 150 công ty Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo Nikkei, gần 150 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang có nguy cơ bị hủy niêm yết do các quy định kiểm toán và các nhà lập pháp Mỹ đang muốn đẩy nhanh thời hạn này sớm nhất là vào năm tới.

Gần 150 công ty Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ - 1

Gần 150 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang có nguy cơ bị hủy niêm yết (Ảnh: Reuters).

Tính đến ngày 10/6, danh sách do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) công bố bao gồm khoảng 60% công ty Trung Quốc có cổ phiếu giao dịch tại Mỹ. Con số này có khả năng còn tiếp tục tăng lên.

Với việc Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy nhanh việc hủy niêm yết vào năm 2023, áp lực chia cắt thị trường Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

Theo quy định của Mỹ, các công ty giao dịch đại chúng tại Mỹ được yêu cầu phải có kiểm toán viên của Ban giám sát kế toán công ty đại chúng do SEC chỉ định. Theo Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài (PCAOB) được thông qua vào năm 2020, những công ty không tuân thủ trong 3 năm tài chính liên tiếp bắt đầu từ ngày 18/12/2020 sẽ bị hủy niêm yết.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã từ chối các cuộc thanh tra của kiểm toán nước ngoài với lý do là lo ngại về an ninh quốc gia. Nhưng áp lực từ SEC có thể sẽ có tác dụng. Từ tháng 12/2021, cơ quan giám sát chứng khoán của Mỹ đã cập nhật các quy tắc niêm yết và vào tháng 3 vừa qua, SEC đã bắt đầu công bố danh sách các công ty không tuân thủ theo luật pháp Mỹ.

Các cuộc đàm phán giữa SEC và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho thấy tính cấp bách của vấn đề này. Hồi tháng 4, CSRC đã đề xuất cho phép các cơ quan quản lý nước ngoài kiểm tra kết quả kiểm toán của các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngày 10/6, hãng gọi xe hàng đầu Trung Quốc Didi Global đã tự nguyện rời khỏi sàn giao dịch New York (NYSE) theo kết quả cuộc bỏ phiếu của cổ đông trước đó. Các nhà chức trách Trung Quốc cũng được cho là thúc giục các công ty xử lý các thông tin nhạy cảm, như việc Didi ngừng giao dịch tại Mỹ. Điều này sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng chấp nhận các cuộc thanh tra kiểm toán với những công ty có độ rủi ro thấp hơn.

Tuy nhiên, SEC đang cho thấy có rất ít dấu hiệu về việc nới lỏng áp lực đối với các nhượng bộ của Trung Quốc. Bà YJ Fischer, giám đốc Văn phòng các vấn đề quốc tế của SEC, cho biết trong một bài phát biểu vào cuối tháng 5 rằng một số tiến bộ đang được thực hiện. Nhưng "ngay cả khi thỏa thuận giữa PCAOB và chính quyền Trung Quốc được ký kết thì đó cũng chỉ là bước đầu tiên", bà nói.

Theo bà Fischer, PCAOB đã bắt đầu kiểm tra thí điểm một công ty kiểm toán Trung Quốc vào năm 2016 nhưng không thể hoàn thành việc kiểm tra do các nhà chức trách Trung Quốc "tuýt còi" và xử lý lại thông tin. "PCAOB phải được truy cập vào các hồ sơ kiểm toán của tất cả, không phải là một số, các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và các công ty kế toán công đã đăng ký, cũng như tiến hành các cuộc thanh tra và điều tra toàn diện ở Trung Quốc và Hồng Kông", bà nói.

Theo Nikkei