1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bình Định:

Gần 1.000 con bò da lở loét, nổi u cục bất thường, nông dân lo sốt vó

Doãn Công

(Dân trí) - Tình trạng bệnh viêm da nổi cục ở bò bùng phát tại một số địa phương trong tỉnh Bình Định, khiến nhiều nông dân lo lắng.

Gần 1.000 con bò da lở loét, nổi u cục bất thường, nông dân lo sốt vó - 1
Bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò bùng phát ở 7/11 huyện, thị xã ở tỉnh Bình Định.

Ngày 2/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định (Sở NN-PTNT tỉnh) cho biết, đến nay đã có 7/11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh này xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò với số lượng gần 1.000 con nhiễm bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện từ ngày 23/4, tại địa bàn thôn Phú Trung, xã Cát Thành (huyện Phù Cát) với số lượng mắc bệnh theo điều tra dịch tễ ban đầu là 17 con ở 9 hộ chăn nuôi.

Sau đó, dịch bệnh ở bò lây lan nhanh đến huyện Phù Mỹ, rồi lây lan thêm ở một số huyện khác trên địa bàn.

Gần 1.000 con bò da lở loét, nổi u cục bất thường, nông dân lo sốt vó - 2
Cán bộ thú y tiêm thuốc phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò bị bệnh.

Đến nay, dịch đã lây lan sang 7 huyện, thị xã với số lượng gia súc bị bệnh gần 1.000 con trên tổng đàn hơn 3.000 con của 730 hộ chăn nuôi ở 55 xã thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Nông dân Võ Văn Trạng (ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) cho biết: "Ngay sau khi phát hiện đàn bò bị bệnh, cùng với việc báo cáo lên cơ quan chức năng, gia đình tôi mua chanh về chà xát lên vết viêm loét để tẩy trùng. Tôi cũng cho bò ăn thêm một số thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho bò giảm nhiệt, nhưng tình trạng bệnh không suy giảm".

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, trong 8 mẫu gửi Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, có 6 mẫu bò bệnh và 2 mẫu bò không bị bệnh nhưng cùng chuồng với bò bị bệnh viêm da nổi cục.

Về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định nhận định là do truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt (muỗi, ruồi, ve…). Ngoài ra, một số phương tiện thô sơ vận chuyển trâu bò ra vào địa phương mang mầm bệnh xâm nhập.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, trong số hơn 300 con bò bị bệnh hiện đã điều trị khỏi triệu chứng 128 con, rất may là chưa xảy ra tình trạng bò chết do dịch bệnh.

Gần 1.000 con bò da lở loét, nổi u cục bất thường, nông dân lo sốt vó - 3
Ngoài tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh, người dân còn tăng cường thêm lượng chất dinh dưỡng cho đàn bò.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Quốc cho biết, sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục đã phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình trạng dịch bệnh, phát hiện kịp thời, cách ly gia súc bị bệnh, nghiêm cấm việc buôn bán trâu bò bị bệnh trong vùng có bệnh.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định đã hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch bệnh viêm da nổi cục như: phun thuốc sát trùng khắp các chuồng nuôi, rắc vôi bột, Cloramin B dạng bột quanh chuồng.

Ngành chăn nuôi Bình Định cũng đặc biệt lưu ý người dân không chăn nuôi thả rông trong giai đoạn này. Đồng thời, vận động hộ chăn nuôi đại gia súc thực hiện tiêm phòng cho trâu, bò.

Gần 1.000 con bò da lở loét, nổi u cục bất thường, nông dân lo sốt vó - 4
Đàn bò sau khi được tiêm thuốc đã dần khỏi bệnh.

Hiện tỉnh Bình Định đã mua 10.000 liều vắc xin phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định đang tiếp tục tham mưu và đề nghị mua thêm vắc xin để người dân có thể tiêm phòng cho vật nuôi, tránh việc trâu bò bị chết do dịch bệnh.

"Chi cục khuyến cáo người dân vệ sinh chuồng trại vật nuôi sạch sẽ và tiêm phòng cho gia súc, vật nuôi để đàn vật nuôi khỏe mạnh, có sức đề kháng cao đề phòng bệnh viêm da nổi cục xâm nhập", ông Nguyễn Văn Quốc, cho hay.