FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu: Sẽ mở ra nhiều cơ hội "vàng"?

(Dân trí) - Rõ ràng, việc "bắt tay" với EAEU sẽ mở ra cơ hội "vàng" với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Song, kèm theo đó là không ít thách thức với các doanh nghiệp (DN), bởi sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ EAEU để đứng vững trên "sân nhà".

thep-f6169

Cuối tháng 5 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA EAEU), bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan chính thức được ký kết. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, FTA mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới.

Chia sẻ tại Tọa đàm "FTA Việt Nam – EAEU: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội", ông Dương Hoàng Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – Bộ Công Thương cho biết: Sau khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày… sẽ được cắt giảm thuế ngay tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn.

Ông Dương Hoàng Minh cũng lưu ý, để tận dụng tối đa những lợi thế mà Hiệp định mang lại, DN phải nghiên cứu kỹ các nội dung cụ thể của Hiệp định với từng dòng thuế của từng sản phẩm; đặc biệt, đối với ngành thủy sản, cần nghiên cứu quy định về quy tắc xuất xứ, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, v.v...

Đồng tình với quan điểm của Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản nhấn mạnh: "Những năm qua các DN Việt Nam luôn xác định Nga và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu là thị trường tiềm năng, song tỷ lệ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn còn khá ít do gặp phải vướng mắc về kiểm soát, kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của phía bạn”.

Theo quy định của Liên minh kinh tế Á – Âu, doanh nghiệp được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận đủ điều kiện xuất khẩu thì phía bạn sẽ chấp nhận doanh nghiệp ấy. Nhưng thực tế, doanh nghiệp Việt vẫn chưa được chấp nhận vì phía Liên minh kinh tế Á - Âu chưa tin tưởng vào hệ thống kiểm tra, kiểm dịch của Việt Nam. Tới đây, các nước thuộc Liên minh này sẽ kiểm tra lại hệ thống kiểm dịch của Việt Nam để đưa ra kết luận cuối cùng, nếu được chấp thuận, đây sẽ là tín hiệu mừng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu những mặt hàng thép chất lượng cao với thuế suất nhập khẩu là 0%, từ đó sản xuất các sản phẩm thép trong nước có chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Nhưng do đa phần các DN thép nội đều có quy mô nhỏ, chỉ vài trăm nghìn tấn/năm, do đó các DN này chịu nhiều áp lực khi tham gia đấu trường cạnh tranh, chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Do đó khó được chấp nhận tại "cuộc chơi".

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc đàm phán với Liên minh Á - Âu cũng xem xét mở cửa thị trường từng phần cho từng nhóm hàng khác nhau theo lộ trình mở cửa ngay, sau 5 năm, 7 năm và 10 năm. Theo đó, hy vọng ngành thép có đủ thời gian nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời gian tới, đáp ứng quy định của Liên minh Á - Âu và các hiệp định khác.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội thép khẳng định: “Không còn con đường nào khác là doanh nghiệp phải cố gắng hết mình nâng cao khả năng cạnh tranh về mặt chất lượng, giá cả, thương hiệu và khả năng cung ứng, dịch vụ sau bán hàng”.

Vị này cũng cho rằng, doanh nghiệp thép phải có biện pháp đổi mới công nghệ, áp dụng tiên tiến nhất, cho ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý và nâng cao quy mô hiện chỉ vài trăm nghỉn tấn 1 năm lên  4 – 5 triệu tấn để áp dụng công nghệ tiên tiến nhất.

Phương Dung

FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu: Sẽ mở ra nhiều cơ hội "vàng"? - 2