EU sẽ áp thuế 4 tỷ USD đối với hàng hóa Mỹ khi thương chiến bùng nổ

Thùy Dung

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ 3 vừa qua đã giành được quyền áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng hóa của Mỹ để trả đũa việc trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Boeing.

Điều này khiến căng thẳng thương mại gia tăng ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới. Nó cũng tạo ra tiền đề cho các cuộc đàm phán thuế quan giữa EU và Mỹ.

EU sẽ áp thuế 4 tỷ USD đối với hàng hóa Mỹ khi thương chiến bùng nổ - 1
Tranh chấp thương mại giữa nhà sản xuất máy bay của EU là Airbus và Boeing của Mỹ đã kéo dài 16 năm.

Cả Mỹ và EU đều ra dấu hiệu quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp về trợ cấp máy bay, trong khi cáo buộc bên kia từ chối nói chuyện nghiêm túc.

Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách thương mại cho biết: “Ưu tiên mạnh mẽ của chúng tôi là giải quyết thương lượng. Nếu không, chúng tôi sẽ buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và đáp trả một cách tương xứng”.

Vào tháng 4/2019, WTO đã ra phán quyết rằng các khoản trợ cấp của Mỹ cho Boeing là bất hợp pháp, đồng thời WTO cho biết, từ năm 2006 đến năm 2040, Boeing dự kiến ​​sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế 6 tỷ USD.

Airbus và Boeing đã bị mắc kẹt trong tranh chấp thương mại ăn miếng trả miếng kể từ năm 2004, khi nhà sản xuất máy bay hàng không Mỹ - Boeing cáo buộc rằng đối thủ châu Âu của họ - Airbus đã nhận các khoản viện trợ bất hợp pháp từ nhiều chính phủ để phát triển máy bay hai lối đi A350 và A380 superjumbo. Trong khi đó, Boeing lại được giảm thuế từ bang Washington.

WTO đã phán quyết rằng các khoản trợ cấp cho cả Airbus và Boeing đều là bất hợp pháp. Nhưng tranh chấp kéo dài đã khiến một số giám đốc điều hành của cả hai công ty gặp khó khăn và một trong những máy bay được đề cập đến trong vụ tranh chấp là A380 đã phải ngừng sản xuất.

Vào tháng 10/2019, Mỹ đã áp đặt mức thuế trị giá 7,5 tỷ USD đối với các sản phẩm của EU bao gồm rượu whisky scotch, rượu vang và pho mát của Pháp để trả đũa việc EU trợ cấp cho Airbus.

Hiệp hội rượu whisky Scotch trong tháng này cho biết, mức thuế 25% đối với hàng xuất khẩu của họ đã góp phần khiến xuất khẩu sang Mỹ giảm 32% trong năm, khiến ngành công nghiệp rượu bị thiệt hại 360 triệu Bảng Anh.

Năm ngoái, EU cho biết, họ sẽ xem xét nhắm mục tiêu vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, từ các bộ phận xe máy, máy chơi trò chơi điện tử đến cá và rượu vang, cũng như cả máy bay.

Các mức thuế bổ sung có thể sẽ làm tăng thêm áp lực tài chính đối với Boeing vào thời điểm hãng đang phải vật lộn với sự gián đoạn chưa từng có từ đại dịch Covid-19.

Boeing cũng đang cố gắng giành lại sự cho phép được sản xuất theo quy định đối với chiếc 737 Max - sản phẩm bán chạy nhất trước đây của mình, chiếc máy bay này đã bị ngừng hoạt động trong 19 tháng sau hai vụ tai nạn chết người.

Cả hai bên đều rút lại một số khoản trợ cấp. Bang Washington đã bãi bỏ một số khoản giảm thuế, trong khi Airbus hồi tháng 7 cho biết họ sẽ dần hoàn trả các khoản hỗ trợ trước đây cho chính phủ Pháp và Tây Ban Nha trong nỗ lực nhằm chấm dứt tranh chấp.

Tuy nhiên, việc giải quyết và dỡ bỏ thuế quan có thể bị trì hoãn bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nếu ông Joe Biden làm tổng thống.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết: “Vì tiểu bang Washington đã bãi bỏ lệnh giảm thuế đó vào đầu năm nay, nên EU không có cơ sở hợp lệ để trả đũa bất kỳ sản phẩm nào của Mỹ. Bất kỳ việc áp đặt thuế quan nào dựa trên một biện pháp đã được loại bỏ rõ ràng là trái với các nguyên tắc của WTO và sẽ buộc Mỹ phải đáp trả ”.

Một phát ngôn viên của Boeing cho biết, phán quyết của WTO hôm thứ 3 vừa qua là điều không hợp lý bởi vì bang Washington đã bãi bỏ các lệnh giảm thuế.

Người phát ngôn nói rằng: “Theo luật của WTO, thuế quan của EU áp đặt với Mỹ là một điều không được phép thực hiện.”

Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng khi Airbus và EU tiếp tục tìm cách áp đặt thuế quan đối với các công ty Mỹ dựa trên điều khoản thuế đã được bãi bỏ đầy đủ và có thể xác minh được.”

Người phát ngôn nói thêm: “Thay vì leo thang vấn đề này với những lời đe dọa đối với các doanh nghiệp Mỹ và khách hàng xhâu Âu của họ, Airbus và EU nên tập trung sức lực vào những nỗ lực thiện chí để giải quyết tranh chấp kéo dài này”.

Guillaume Faury, Giám đốc điều hành của Airbus, cho biết: “Airbus đã không bắt đầu tranh chấp WTO này, và chúng tôi không muốn tiếp tục gây tổn hại cho khách hàng của mình cũng như các nhà cung cấp của ngành hàng không và tất cả các lĩnh vực khác. Như chúng tôi đã chứng minh, chúng tôi vẫn chuẩn bị và sẵn sàng hỗ trợ quá trình đàm phán dẫn đến một dàn xếp công bằng giữa hai bên.”