Trung Quốc sẽ “ngư ông đắc lợi” nếu Mỹ áp 3,1 tỷ USD thuế với châu Âu
(Dân trí) - Mỹ đang lên kế hoạch áp 3,1 tỷ USD thuế quan mới đối với các sản phẩm của châu Âu trong cuộc tranh chấp 16 năm giữa hai bên về vấn trợ cấp máy bay dân dụng.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc Mỹ áp hàng thuế quan mới 3,1 tỷ USD đối với châu Âu trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải “chiến đấu” với Washington và EU trên các mặt trận từ Covid-19 đến Hồng Kông.
Stephen Olson, cựu nhà đàm phán thương mại của Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, bất cứ điều gì làm mất đi sự chú ý của Mỹ hoặc EU đến các vấn đề thương mại mà họ có với Trung Quốc và làm suy yếu khả năng hợp tác giữa 2 bên sẽ đem lại lợi ích cho Trung Quốc.
Hôm thứ 3 vừa qua, USTR đã tuyên bố rằng họ đang xem xét áp thuế đối với 3,1 tỷ USD hàng nhập khẩu châu Âu, bao gồm máy bay, phô mai, giăm bông, bia và rượu gin, từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh.
Theo USTR, thuế quan của Mỹ có thể sẽ được áp dụng sau ngày 26/7, khi thời gian phản đối công khai kết thúc.
EU chỉ trích kế hoạch của Mỹ và nói rằng nó tạo ra sự khó khăn cho các công ty và gây ra thiệt hại kinh tế không cần thiết ở cả hai phía của Đại Tây Dương.
Động thái này là một phần của phản ứng từ Mỹ liên quan đến tranh chấp lâu dài suốt 16 năm qua với Liên minh châu Âu về trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn.
Victor Gao, Phó chủ tịch Trung tâm Toàn cầu hóa Trung Quốc, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết căng thẳng thương mại Mỹ-EU sẽ giúp Trung Quốc và các nước châu Âu có thêm động lực để cùng tìm kiếm tiếng nói chung giữa hai bên trong một nỗ lực nhằm chống lại siêu cường thế giới là Mỹ.
Nhưng Deborah Elms, Giám đốc điều hành tại Trung tâm thương mại Châu Á có trụ sở tại Singapore, cho biết tranh chấp có thể không phải là tin tốt cho Trung Quốc, vì nó chỉ ra sự cố trong hệ thống toàn cầu.
Elms nói rằng: “Tôi chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ có lợi một chút từ động thái áp thuế này của Mỹ, bởi vì khi Mỹ càng tấn công châu Âu thì càng khó tạo ra một liên minh tốt chống lại bất cứ ai hoặc có lợi cho bất cứ điều gì.”
Nhưng tôi nghĩ đối với Trung Quốc, điều này còn đi kèm với một thách thức đặc biệt, đó là Trung Quốc dựa vào hệ thống giao dịch thế giới và nếu hệ thống giao dịch này không hoạt động thì đó sẽ là một vấn đề.
Elms cho biết, mức thuế quan được đề xuất của Mỹ cũng cho thấy chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của những cách thức áp thuế như vậy.
Điều đó đã cho ta thấy chính sách thuế của Mỹ không chỉ là chính sách dành riêng cho Trung Quốc mà còn cho cả những quốc gia khác.
Elms nói thêm rằng, Trung Quốc có thể thu lợi từ việc trở thành nhà cung cấp thay thế một số hàng hóa nhưng cũng có những sản phẩm chỉ có thể đến từ châu Âu.
Các nhà phân tích cho biết, họ không hy vọng mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ xấu đi, vì hai bên có thể bất hòa về một vấn đề nhưng cũng hợp tác để “chiến đấu” với một bên khác nếu cần thiết.
Theo các nhà phân tích, sự leo thang thuế quan lớn giữa Mỹ và EU chắc chắn sẽ làm phức tạp mối quan hệ giữa hai bên. Một cuộc tranh chấp thương mại càng chính trị hóa thì càng khó khăn hơn để ngăn chặn.
Thùy Dung
Theo SCMP