Các nhà sản xuất châu Âu rất khó "tạm biệt" Trung Quốc
(Dân trí) - Các nhà sản xuất châu Âu rất khó có thể "tạm biệt" Trung Quốc khi đây là đất nước có lực lượng lao động dồi dào và chuỗi cung ứng với chi phí thấp nhất trên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận với nhau về việc rút bớt chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và tìm cách kiềm chế kế hoạch "Vành đai và Con đường" của nước này. Tuy nhiên, có lẽ đó chỉ là mong muốn của các nhà lãnh đạo, còn đối với các nhà sản xuất EU thì đó lại là một điều miễn cưỡng.
Tại Ý, Gimmi Baldinini - Giám đốc của Baldinini - một trong những thương hiệu giày cao cấp, nói rằng, công ty giày dép thiết kế của ông tuyệt đối không thể cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.
Ông Baldinini cho rằng, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất chính cho phân khúc hàng đầu của ông. Để sản xuất ra những đôi giày thể thao, công ty của ông phải phụ thuộc vào một nhà máy ở khu vực Thâm Quyến, Trung Quốc.
“Chi phí sản xuất tại đây thấp hơn 75% so với ở Ý. Tôi không thể xem xét việc cắt bỏ và bán lại các dây chuyền sản xuất của mình tại Trung Quốc, trừ khi chính phủ Ý quyết định cắt giảm đáng kể thuế và chi phí lao động" - ông này nói.
Bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Liên minh châu Âu đã nỗ lực tăng cường sản xuất tại những khu vực gần với quê nhà hơn sau đại dịch toàn cầu gây ra sự suy thoái kinh tế mạnh nhất trong gần một thế kỷ qua.
Thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu - Luis de Guindos và Thống đốc ngân hàng Trung ương Hà Lan - Klaas Knob đã lập luận rằng, các công ty nên xem xét di chuyển các bộ phận của chuỗi cung ứng về gần nhà hơn ngay cả khi điều đó có nghĩa là chi phí sẽ tăng cao hơn.
Là một phần trong gói phục hồi Covid-19 trị giá 750 tỷ EUR (843 tỷ USD), Ủy ban châu Âu đang thảo luận về việc đảm bảo quyền tự chủ chiến lược trong các lĩnh vực quan trọng và xây dựng chuỗi giá trị mạnh hơn tại chính EU. Họ nói rằng, một chiến lược dược phẩm mới sẽ giải quyết được các rủi ro hiện nay - chẳng hạn như năng lực sản xuất hạn chế của châu Âu – một điểm yếu mà EU đã bị phơi bày trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo quan điểm Stada Arzneimittel, một nhà sản xuất dược phẩm của Đức có cơ sở sản xuất chủ yếu ở châu Âu: “Chiến lược dược phẩm mà châu Âu đưa ra không phải là một nhiệm vụ dễ dàng để thực hiện. Trung Quốc là nơi sản xuất khoảng 40% tất cả các thành phần dược phẩm đang hoạt động được sử dụng trên toàn thế giới.”
Tuy nhiên, hiện nay, chính phủ của các quốc gia trong khối EU đang đẩy mạnh nguồn cung cấp tại địa phương, cạnh tranh đầu tư vào năng lực sản xuất.
Tại Đức, Chính phủ đã lên kế hoạch trình bày một chiến lược chuỗi cung ứng trong vài tháng tới nhằm tăng sức mạnh cho các ngành công nghiệp cốt lõi trước sự gián đoạn tiềm năng trong dòng chảy thương mại.
Việc phục hồi chuỗi cung ứng là một điều rất quan trọng đối với ngành công nghiệp Đức vì 17% sản lượng của nước này phụ thuộc vào các nhà cung ứng toàn cầu - lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Một nghiên cứu gần đây từ Viện Ifo có trụ sở tại Munich (Đức) cho thấy sự phụ thuộc của Đức vào các nhà cung cấp quốc tế có thể kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế Đức sau đại dịch.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, việc các công ty châu Âu rời xa Trung Quốc là điều không thể bởi tầm quan trọng ngày càng tăng của chuỗi cung ứng Trung Quốc trên thế giới. Siêu cường châu Á này đã chiếm khoảng 40% sản lượng xe cung cấp cho toàn cầu và là nhà cung cấp hàng đầu của Volkswagen. Vào tháng 5 năm ngoái, gã khổng lồ ô tô Đức Volkswagen đã tăng cường hoạt động với Trung Quốc bằng cách mua cổ phần của công ty pin Guoxuan High-Tech và cả đối tác xe điện của mình.
Elmar Kades, một nhà tư vấn tại AlixPartners cho biết, các nhà sản xuất EU đang hướng tới việc tìm nguồn cung ứng trong khu vực của họ nhiều hơn. Tuy nhiên, sẽ không có 100% nguồn cung ứng trong khu vực vì các công ty vẫn cần nhập một số nguyên liệu thô, kim loại quý hoặc linh kiện điện tử được sử dụng trên toàn thế giới.
Theo Laurent Michel, một quan chức tại Bộ Pháp về Chuyển đổi Sinh thái và Hòa nhập, để chống lại sự thống trị của châu Á đối với sản phẩm ắc quy xe điện, Pháp và Đức đã nỗ lực để khởi động một ngành công nghiệp châu Âu. Khối này có kế hoạch đầu tư khoảng 8,2 tỷ EUR trong những năm tới để tạo ra những ông trùm trong lĩnh vực sản xuất pin.
Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng quốc tế gây ra bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã buộc các công ty phải tăng sức mạnh của mình và liên kết thêm với nhiều nhà cung cấp.
Theo Klaas Knot - Thống đốc Ngân hàng trung ương Hà Lan: “Chúng tôi đã phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi giá trị quốc tế trong những năm gần đây và Covid-19 đã khiến chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề khi chuỗi cung ứng gián đoạn. Có lẽ đây chính là thời gian để chúng tôi nhìn nhận lại, ít phụ thuộc vào nước ngoài và tập trung hơn vào vấn đề đảm bảo nguồn cung.”
Thùy Dung
Theo SCMP