Đừng gây sốc cho người nộp thuế

Nhiều quy định về thuế thay đổi nhanh, tạo ra những cú sốc bất ngờ với các doanh nghiệp.

Gần đây nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội than phiền về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: Thuế TTĐB đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước... Tuy nhiên, thuế TTĐB còn nhiều bất cập.

Không có lý do thuyết phục

Ông có thể nói rõ những bất cập đó là gì?

Trước hết là cách thức, tiêu chí áp thuế thiếu minh bạch, vẫn còn những quy định không hợp lý. Chẳng hạn gần đây các DN phản ánh nhiều về mức tính thuế không được thấp hơn 7% so với giá các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra trong tháng của cùng loại sản phẩm quy định tại Nghị định 108/2015 và Thông tư 195/2015.

Tỉ lệ 7% được các cơ quan soạn thảo đặt ra là nhằm “hạn chế kẽ hở để lợi dụng kê khai giảm giá tính thuế TTĐB thông qua chuyển giá sang khâu thương mại của chính người nộp thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước và bảo đảm phù hợp hơn với thực tế kinh doanh thương mại nhiều cấp”.

Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng không có lý do thuyết phục về việc đặt ra tỉ lệ 7%, cũng chưa có đánh giá khách quan trong khi mức khống chế 10% đã được thực hiện ổn định lâu nay mà không có vướng mắc. Tỉ lệ này không phù hợp với đặc điểm, tính chất, hệ thống phân phối của từng mặt hàng cụ thể.

Thuế TTĐB, như ông từng đề cập, còn khó tiên liệu. Điều này được thể hiện ra sao?

Gần đây có nhiều quy định pháp luật về thuế thay đổi nhanh, thiếu ổn định, tạo ra những cú sốc bất ngờ với nhiều DN khiến họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện kế hoạch kinh doanh. Đơn cử, Nghị định 108/2015 ban hành ngày 28-10-2015 và Thông tư 195/2015 ban hành ngày 24-11-2015 đều có hiệu lực từ 1-1-2016, từ khi ban hành đến khi phải thực hiện chỉ một thời gian rất ngắn.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 1 Điều 78) thì: “Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành”.

Thế nhưng đối với Thông tư 195 thì thời điểm có hiệu lực tính từ ngày ký là chưa đủ 45 ngày. Quan trọng hơn, với việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu bia được đánh giá đột ngột. Hầu hết DN ngành này đánh giá đây thực sự là gánh nặng đối với DN, không thể đáp ứng kịp và đối mặt với nguy cơ thua lỗ.


DN mong muốn một chính sách thuế minh bạch, rõ ràng. Trong ảnh: Người dân đang làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

DN mong muốn một chính sách thuế minh bạch, rõ ràng. Trong ảnh: Người dân đang làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Với DN nhập khẩu ô tô cũng như vậy. Từ 1-1-2016, việc tính thuế TTĐB với ô tô nhập khẩu được áp dụng theo Nghị định 108 và Thông tư 195 nói trên. Tuy nhiên, cách tính thuế theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1-7-2016 thì lại thay đổi cách tính thuế. Thuế suất đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi sẽ bao gồm 14 mức thuế suất cơ bản, trong đó thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 150%.

Trong vòng sáu tháng, cách tính thuế TTĐB thay đổi tới hai lần, mỗi lần thay đổi thì được áp dụng ngay trong vòng 2-3 tháng. Nhiều DN cho rằng họ không kịp trở tay vì chính sách thuế thay đổi liên tục cũng như những bất cập trong cách tính thuế TTĐB mới.

Gánh nặng lớn đối với nhiều doanh nghiệp

Tại nhiều hội thảo về thuế TTĐB, không ít DN, ngành hàng đều cho rằng mức thuế mà họ phải nộp là quá nặng. Ông có nghĩ thế không?

Chính sách thuế TTĐB thời gian qua có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhưng dường như vẫn là gánh nặng lớn đối với rất nhiều DN. Ví dụ: Theo quy định của luật mới, từ mức thuế 65%, thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá chịu mức thuế 70% từ ngày 1-1-2016 đến hết 31-12-2018 và 75% từ ngày 1-1-2019.

Theo đánh giá, lộ trình tăng thuế TTĐB liên tục trong thời gian ngắn này với mức thuế suất cao gây khó khăn cho các DN sản xuất, nhất là hàng lậu có cơ hội tràn vào.

Vậy phải chăng thuế TTĐB chưa đạt được hiệu quả như mong muốn?

Đúng vậy. Xin ví dụ: Do lo ngại rằng DN sản xuất thành lập công ty con, bán ra với giá thấp để nộp TTĐB ít đi, “lỗ mẹ lãi con”, cơ quan chức năng đưa ra quy định siết giá tính thuế là giá bán ra của công ty sản xuất nhưng không thấp hơn 7% giá bình quân các cơ sở thương mại bán ra.

Quy định này chỉ mới chặn được các công ty ở giao dịch đầu tiên giữa nhà sản xuất và công ty thương mại là công ty con và công ty con trong cùng công ty mẹ. Đối với các giao dịch tiếp sau đó thì sao? Quy định này dường như chỉ gây khó khăn cho DN tốt, làm ăn ngay ngắn, còn DN gian lận, lách luật vẫn có cách lách bằng cách tạo thêm một công ty làm mắt xích trung gian để né thuế. Nói cách khác, cách thức quản lý không nên vì mục tiêu kiểm soát các DN gian lận mà gây khó cho tất cả DN làm ăn chân chính. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực đến thị trường, sức mua và nguồn thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Để giải quyết khúc mắc này, Nhà nước và các DN cần phải ngồi lại cùng nhau tháo gỡ, từ đó góp phần tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Xin cám ơn ông.

Nên bỏ một số hàng hóa chịu thuế

Đối với thuế TTĐB, cần có lộ trình sửa đổi một số nội dung như: Bổ sung mở rộng diện chịu thuế đối với các nhóm mặt hàng như game online, chất tẩy rửa, đồ uống nước ngọt có gas, mỹ phẩm, đồ trang sức và đá quý. Một số quốc gia đã đánh thuế TTĐB đối với các mặt hàng này.

Đồng thời nên bãi bỏ một số đối tượng chịu thuế không có tính khả thi cao như vàng mã, hàng mã, bài lá, dịch vụ massage, karaoke, máy lạnh từ 90.000 BTU trở xuống, dòng xe máy có dung tích xi-lanh từ 125 cm3 trở xuống.

Ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Theo Chân Luận
Pháp luật TPHCM

Đừng gây sốc cho người nộp thuế - 2