Dự án hạ tầng "ưu tiên" của Đà Nẵng dính một loạt vi phạm

(Dân trí) - Hợp phần C - Cầu và đường đô thị thuộc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 1 và 2) được Kiểm toán Nhà nước kết luận có một loạt vấn đề như: Xét thầu vượt giá trị dự toán được duyệt, công tác nghiệm thu thanh toán sai khối lượng, sai đơn giá, quyết toán chi phí không hợp lý, sử dụng nguồn vốn để đầu tư một số nội dung không thuộc phạm vi, mục tiêu đầu tư.

Cầu Nguyễn Tri Phương khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 30/4/2013.
Cầu Nguyễn Tri Phương khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 30/4/2013.

Đoàn Kiểm toán Nhà nước thuộc Kiểm toán Nhà nước khu vực III vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán việc hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Hợp phần C - Cầu và đường đô thị thuộc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 1 và 2).

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 252,3 triệu USD, trong đó nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) của Ngân hàng Thế giới là 152,4 triệu USD và vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng là gần 69,9 triệu USD. Chủ đầu tư dự án được giao cho Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng.

Dự án gồm 4 hợp phần nâng cấp đô thị, cơ sở hạ tầng, cầu và đường đô thị và tăng cường thể chế, hỗ trợ thực hiện dự án nhằm giảm nghèo đô thị thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, điều kiện môi trường và điều kiện sống.

Kết quả kiểm toán cho thấy, chi phí đầu tư theo số sau khi thực hiện kiểm toán là hơn 2.110,9 tỷ đồng, chênh lệch với số liệu báo cáo khoảng gần 50,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do sai khối lượng 21,8 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 37 triệu đồng và sai khác 28,9 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, quy mô công trình, giải pháp công nghệ của các dự án được lựa chọn phù hợp với mục tiêu đầu tư của dự án, phù hợp quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông thành phố. Các đơn vị khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán, thẩm định, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công có đủ tư cách pháp nhân và năng lực chuyên môn.

Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu hầu hết các gói thầu xây lắp của Hợp phần C - Cầu và đường đô thị không thực hiện rà soát một số nội dung công việc chưa phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán hoặc không có trong thiết kế dự toán để loại bỏ những công việc, chi phí bất hợp lý, hợp lệ.

Điều này dẫn tới kết quả giá trúng thầu của tất cả các gói thầu xây lắp cao hơn giá gói thầu được duyệt. Công tác lập khảo sát, thiết kế kỹ thuật thiếu chính xác nên trong quá trình xây dựng phải điều chỉnh nhiều lần; công tác nghiệm thu, thanh toán chưa kịp thời cắt giảm một số khối lượng thừa, không đúng với hồ sơ hoàn công, một số chi phí chưa hợp lý, hợp lệ.

Đoàn kiểm toán xác định giảm hơn 50,7 tỷ đồng nhằm giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm cho ngân sách để phát huy tính kinh tế trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán và xử lý khác số tiền hơn 50,7 tỷ đồng và hơn 49 nghìn USD.

Đối với UBDN thành phố Đà Nẵng, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chỉ đạo xem xét trách nhiệm của hàng loạt sở ngành bao gồm: Ban quản lý dự án, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân liên quan, đồng thời rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại, sai sót trong công tác quản lý, điều hành dự án. Cụ thể, xét thầu vượt giá trị dự toán được duyệt, công tác nghiệm thu thanh toán sai khối lượng, sai đơn giá, quyết toán chi phí không hợp lý, sử dụng nguồn vốn để đầu tư một số nội dung không thuộc phạm vi, mục tiêu đầu tư.

Liên quan tới dự án này, trước đó, đánh giá tổng kết dự án vào năm 2013, bà Keiko Sato - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Ngân hàng Thế giới cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thành theo đúng thời gian quy định của Hiệp định tài trợ dự án và đúng các mục tiêu ban đầu.

Trong đó, hợp phần C của dự án giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững theo định hướng phát triển của thành phố thông qua việc đầu tư 2 tuyến đường chiến lược nối liền trung tâm với các khu vực ven đô thị của thành phố, làm nền tảng cho sự mở rộng toàn bộ đô thị thành phố về phía nam. Đó là tuyến đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quý (nay là đường Võ Chí Công), cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Khuê Đông; tuyến đường vành đai phía Nam thành phố, cầu Hòa Phước và cầu Cổ Cò.

Phương Dung