20 dự án BOT đường bộ sẽ vào "tầm ngắm" của kiểm toán năm 2017

(Dân trí) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2017, trong đó nhấn mạnh đến việc thanh kiểm tra các dự án giao thông được đầu tư bằng hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc hợp đồng hợp tác công tư PPP.

Theo đó, 20 dự án trọng tâm sẽ được tranh tra trong kế hoạch như: Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km1063+877-Km1092+577, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương…

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước sẽ thanh tra hàng loạt dự án BOT đường bộ (ảnh minh họa)
Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước sẽ thanh tra hàng loạt dự án BOT đường bộ (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các dự án khác theo hình thức PPP như BT (xây dựng - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) cũng được thanh tra trong đợt này cùng 14 dự án có sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực đường bộ.

Gần đây, sau nhiều cuộc thanh tra của các Bộ, ngành chức năng, rất nhiều dự án BOT trên cả nước được vạch rõ tiêu cực, trong đó điển hình là chủ đầu tư khai gian về suất đầu tư, dẫn đến đội vốn dự án cao, kéo dài thời gian thu phí.

Theo báo cáo trước đó của Kiểm toán Nhà nước, hiện có tình trạng quá lạm dụng đầu tư BOT tại các tuyến đường bộ, khiến đây là "mảng miếng" béo bở cho các DN tăng tốc vay tín dụng của các ngân hàng, trong khi nguồn vốn tự có của các DN rất thấp chỉ trên 15%. Trong khi kiểm soát vay vốn, chi đầu tư và quyết toán dự án chưa được chú ý. Tỷ lệ nợ tăng cao, đồng nghĩa rủi ro lãi suất, vay nợ lớn, gánh nặng lãi chuyển từ vai DN sang vai đối tượng vận tải là người dân, doanh nghiệp. Chi phí vận chuyển hàng hóa qua đường bộ trong dịch vụ vận tải - xuất nhập khẩu logistics của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng.

Ngoài ra, vấn đề của BOT tại Việt Nam phát sinh những kẻ hỡ khó quản lý như các dự án BOT phải áp dụng cho các dự án mới, xây dựng những con đường khác song song, nhưng hiện nay thực tế BOT đang trải ở các dự án cũ và không cho người dân chọn lựa khác. Hầu hết các quốc lộ, cầu đường độc đạo trở thành dự án BOT và nhà đầu tư độc quyền thu tiền.

Bên cạnh đó, lạm dụng việc là chủ đầu tư xây dựng cầu đường, nhiều trạm thu phí trên cả nước dù được lệnh thu không dừng hoặc một dừng bằng: mã vạch, thẻ từ hoặc biển số xe... để tăng thời gian lưu thông, hạn chế khuất tất trong thu phí. Tuy nhiên, sau một thời gian dư luận dậy sóng vấn đề này chưa được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc.

Tại báo cáo quyết toán công tác kiểm toán năm 2015 cho nhiệm vụ năm 2014, mặc dù chương trình kiểm toán các dự án BOT đường bộ chưa được đưa vào nhiệm vụ năm 2014. Tuy nhiên, đại diện Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất cập trong quản lý dự án, thanh quyết toán dự án BOT... dẫn đến dư luận mất niềm tin vào chính sách và hình thức đầu tư BOT, PPP tại Việt Nam biến tướng nghiêm trọng.

Theo tin Dân Trí đã đưa, tại báo cáo về vấn đề BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong tháng 9/2016, ông Ngô Văn Quý, kiểm toán trưởng, chuyên ngành IV, Kiểm toán Nhà nước cho hay: "Hiện nay BOT đang tăng tốc trải thảm không chỉ ở các đường mới, mà còn ở các dự án cũ, đường chưa cần thiết xây dựng xét về độ cấp bách và hiệu quả kinh tế. Điều quan trọng, nhiều dự án BOT là đường độc đạo, không cho người dân chọn lựa khác ngoài đi đường đó và trả phí. Các tuyến quốc lộ, cầu đường trở thành độc đạo cho chủ đầu tư BOT, dự án trở thành độc quyền và nhà đầu tư độc quyền thu tiền", ông Quý cho hay.

Theo đại diện của KTNN, hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư BOT thực hiện theo hai nguyên tắc, hai hình thức: đấu thầu, chỉ định thầu. Tuy nhiên, các tuyến quốc lộ xây dựng bằng BOT của chúng ta chủ yếu là chỉ định chủ đầu tư. Hiện việc thanh tra suất đầu tư theo báo cáo của các chủ đầu tư vẫn còn lỗ hổng, Việt Nam chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí, điển hình là Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, thanh tra sau kiến nghị của Bộ GTVT phát hiện liên doanh nhà đầu tư báo cáo sai 500 triệu đồng/mỗi ngày. Đây là thực tế không chấp nhận được bởi mức báo cáo sai này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của dự án, thời gian hoàn vốn.

Nguyễn Tuyền