1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đơn vị vận chuyển - Cầu nối đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đơn vị chuyển phát nhanh đóng vai trò liên kết nông dân, người tiêu dùng, sàn TMĐT, bộ phận hỗ trợ bán hàng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên giúp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, với chi phí hợp lý.

Chuỗi tọa đàm Chỉ dẫn đỏ số thứ 3 với chủ đề: "Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn" diễn ra ngày 7/6 trên Báo Dân trí có sự tham gia của ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam; ông Lâm Thế Khải - Giám đốc Sản phẩm UPOS; ông Đỗ Minh Thịnh - chủ nông trại Vitamin (Đà Lạt) và KOC Doãn Hiếu.

Đơn vị vận chuyển - Cầu nối đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn - 1
Từ trái qua: ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam; ông Lâm Thế Khải - Giám đốc Sản phẩm UPOS; KOC Doãn Hiếu và ông Đỗ Minh Thịnh - chủ nông trại Vitamin (Đà Lạt) (Ảnh: Hoàng Giám).

Tọa đàm trực tuyến: "Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn"

Bài toán nông dân làm chủ thị trường

Câu chuyện "được mùa, mất giá" - một trong những vấn đề của ngành nông nghiệp, được các diễn giả bàn luận, tìm giải pháp trong khuôn khổ buổi tọa đàm. Là chủ một nông trại ở Đà Lạt, ông Đỗ Minh Thịnh chia sẻ 3 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

Thứ nhất, nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Do đó, dễ dẫn đến được mùa mất giá cục bộ ở một số vùng trồng chuyên canh, nếu không kết nối thị trường đầu ra rộng lớn.

Thứ hai, sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm thô. Vì vậy, khâu vận chuyển, bảo quản nông sản khi muốn tiêu thụ ở các thị trường xa nằm ngoài khả năng của phần lớn nông dân.

Thứ ba, nông dân vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thương lái và đơn vị tiêu thụ trung gian, thay vì bán trực tiếp sản phẩm đến người dùng cuối.

Đơn vị vận chuyển - Cầu nối đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn - 2
Ông Đỗ Minh Thịnh - chủ nông trại Vitamin (Đà Lạt) (Ảnh: Hoàng Giám).

Một tín hiệu tích cực, theo ông chủ nông trại Vitamin là việc "bỏ phố về quê" của một nhóm trẻ trí thức trong 2 năm qua đã "thổi" vào nền nông nghiệp "luồng gió mới". Cùng với kiến thức chuyên ngành, người trẻ đưa phương thức mới vào sản xuất nông nghiệp, tìm cách tự sản xuất và bán sản phẩm đến người tiêu dùng, giảm tối đa khâu trung gian như thương lái, chợ đầu mối, siêu thị… Nhờ đó, người làm nông có thể làm chủ giá cả, thị trường, đảm bảo tốt chất lượng của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

"Đây cũng là cách làm mới của giới trẻ so với thế hệ trước. Tôi và nhiều người trẻ có thể chủ động bán trên kênh truyền thông xã hội của mình thay vì phụ thuộc vào các khâu trung gian khác. Về vấn đề giao hàng, tôi nhờ bên thứ 3 chuyên nghiệp, giúp giao hàng đi bất kỳ đâu, thay vì nuôi đội giao hàng của riêng mình", ông chủ gen Z chia sẻ.

Giai đoạn Covid-19 căng thẳng, livestream bán nông sản diễn ra khá phổ biến. Một chủ hãng phân phối hàng điện lạnh còn thừa nhận, buổi livestream bán nông sản trên trang cá nhân đạt doanh thu cao hơn cả tháng bán điện lạnh.

Là streamer, Doãn Hiếu đánh giá, vai trò của các phương tiện truyền thông là không thể phủ nhận, càng phát huy trong bối cảnh dịch bệnh, khi mọi người không thể ra ngoài tiếp cận hàng hóa, kể cả thực phẩm.

Đơn vị vận chuyển - Cầu nối đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn - 3
KOC Doãn Hiếu (giữa) chia sẻ tại tọa đàm cùng các khách mời (Ảnh: Hoàng Giám).

Từ góc độ của đơn vị chuyển phát nhanh, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam - cũng đánh giá, hành vi bán hàng và tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Việc chung tay với nền nông nghiệp Việt Nam để đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc các nền tảng bán hàng online khác đang là thách thức không chỉ riêng tại Việt Nam, mà cả nhiều quốc gia khác.

Tại Việt Nam, 57% dân số làm nghề nông nhưng chỉ đóng góp 20% GDP. Sự phát triển của TMĐT, các nền tảng bán hàng trên mạng xã hội như TikTok Shop, Youtube… nhưng đa phần người làm nông vẫn còn lạ lẫm.

Đơn vị vận chuyển - Cầu nối đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn - 4
Ông Phan Bình chia sẻ về sự cần thiết của việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc các nền tảng bán hàng online (Ảnh: Hoàng Giám).

"Chúng tôi - những đơn vị chuyển phát nhanh - đóng vai trò liên kết giữa nông dân, người tiêu dùng, các sàn TMĐT và cả các bên ở giữa như hỗ trợ bán hàng. Các bên phải phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, mới đạt được mục đích cuối cùng là đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chi phí hợp lý", ông Phan Bình khẳng định.

Bên cạnh giúp người làm nông làm chủ thị trường sản phẩm do mình tạo ra, việc kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng qua TMĐT còn thúc đẩy phát triển mô hình 3F (Feed - Farm - Food) hay còn gọi là mô hình từ "từ trang trại đến bàn ăn". Theo đó, người sản xuất nông sản đưa trực tiếp sản phẩm của mình đến khách hàng; hướng đến nền nông nghiệp bền vững như: Giảm biến đổi khí hậu, đảo ngược sự mất đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra lợi nhuận kinh tế cân bằng…

Cần sự chung tay từ nhiều bên

Để có những khách hàng đầu tiên, ông Đỗ Minh Thịnh - chủ nông trại Vitamin không thu tiền sản phẩm và miễn phí ship trong vòng 2 tháng đầu tiên với đơn hàng rau củ dưới 7 kg. Vì miễn phí, nên nhiều khách hàng sẵn lòng thử. Khi cảm nhận sự khác biệt và độ tươi ngon của rau củ, nhiều người quay lại và trở thành khách hàng trung thành của nông trại.

Livestream để tự bán nông sản của mình, theo streamer Doãn Hiếu, cũng là một cách hiệu quả. Nếu áp dụng cách thức này, người làm nông cần chú ý tính chân thật để tạo niềm tin với người mua, có thể livestream cảnh đang thu hoạch, bổ xẻ hoặc nếm thử sản phẩm ngay tại vườn của mình.

Hiến kế giúp người làm nông có thể bán hàng trực tiếp hiệu quả, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam - cho rằng, nên chia nhỏ thành nhiều bài toán đơn giản hơn.

Bài toán đầu tiên là tiếp cận khách hàng. Theo ông, điều này tưởng đơn giản nhưng lại không dễ. Giai đoạn cao điểm của đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều nhà vườn trồng vải thiều tại Bắc Giang điêu đứng vì vải chín mà không bán được. Nhưng chính các hộ dân sống gần đó cũng không biết, vì họ nghĩ các vườn thường đã được thương lái bao tiêu toàn bộ, rất khó mua lẻ. Trên góc độ của một đơn vị vận chuyển, J&T Express nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Đơn vị này hướng dẫn nông dân đặt một sạp nhỏ trước nhà để bán cho những hộ dân ở xung quanh và bán online để tiếp cận khách hàng ở xa hơn.

Đơn vị vận chuyển - Cầu nối đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn - 5
Ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam (Ảnh: Hoàng Giám).

J&T Express có đội ngũ chuyên về truyền thông xã hội, có thể hỗ trợ tạo tài khoản online livestream trên nhiều nền tảng khác nhau. Đơn vị còn làm cầu nối nông dân với KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường), các bên hỗ trợ để bán hàng hiệu quả hơn.

"J&T Express tham gia ở các khâu, từ hỗ trợ thu hoạch, đóng gói đến hỗ trợ livestream. Gần như không còn phân biệt ai là shipper, ai là nông dân nữa, bởi vì tất cả đều cùng mục đích là tiêu thụ nông sản. Nhà vườn chia sẻ cách hái làm sao để giữ những trái vải tươi lâu nhất có thể, không bị ảnh hưởng khi vận chuyển đi xa. J&T Express thì hướng dẫn nông dân dùng nền tảng livestream để bán sản phẩm", ông Bình kể lại.

Bài toán thứ hai là làm sao để vận chuyển nông sản đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất mà vẫn giữ được độ tươi ngon như tại vườn. J&T Express đã phát triển dịch vụ J&T Fresh - chuyên hỗ trợ các nhà vườn vấn đề thu hoạch cũng như đem sự tươi ngon của nông sản đến bàn ăn của khách hàng.

Bài toán thứ ba, khi đã có nhiều đơn hàng về, người làm nông phải tính đến chuyện làm sao quản lý được số lượng lớn đơn hàng, lợi nhuận mang về, thống kê tồn kho… Chi phí để thuê nhân công cho việc quản lý này có thể quá lớn. Thay vào đó, họ có thể dựa vào các phần mềm hỗ trợ như UPOS để quản lý.

Theo ông Lâm Thế Khải - Giám đốc Sản phẩm UPOS, phần mềm này cung cấp rất nhiều tính năng giúp việc bán hàng dễ dàng hơn. Đơn cử như tính năng quản lý đơn hàng, quản lý sản phẩm, quản lý hàng tồn kho, đơn hàng hàng loạt, thống kê…

Đơn vị vận chuyển - Cầu nối đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn - 6
Ông Lâm Thế Khải - Giám đốc Sản phẩm UPOS (Ảnh: Hoàng Giám).

"Chúng tôi có mối liên hệ rất chặt chẽ với các đơn vị vận chuyển uy tín, như J&T Express. Nhờ đó, chúng tôi đảm bảo đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất có thể. Mục tiêu của chúng tôi là giảm thời gian và nguồn nhân lực cho người bán hàng, ở đây là người nông dân. Thời gian đó, nông dân nên tập trung vào thế mạnh nhất của mình là tạo ra sản phẩm chất lượng. Khi có sản phẩm chất lượng, kết hợp với phần mềm hỗ trợ như UPOS, tôi tin rằng việc bán hàng online sẽ hiệu quả", ông Khải chia sẻ.

Với hệ sinh thái đa dạng dịch vụ hỗ trợ, nông dân Việt Nam sẽ được chia sẻ nhiều khó khăn trong hành trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nếu có sự đồng lòng của các bên, các diễn giả tin rằng, nông sản Việt sẽ có điều kiện tốt để hiện thực hóa mô hình từ nông trại đến bàn ăn.

Chuỗi tọa đàm "Chỉ dẫn đỏ" là chương trình do thương hiệu J&T Express - Giao hàng chuyển phát nhanh phối hợp cùng Báo Dân trí thực hiện. Với 4 kỳ phát sóng liên tục, chương trình sẽ mang đến cái nhìn cặn kẽ và chính xác về những thay đổi, cải tiến của ngành kinh doanh trực tuyến và chuyển phát nhanh. Từ đó, mang xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm