Tọa đàm "Chuyển phát nhanh - thành bại của bán hàng online"
(Dân trí) - Chuỗi tọa đàm mang tên "Chỉ dẫn đỏ" với số đầu tiên mang chủ đề "Chuyển phát nhanh - thành bại của bán hàng online" diễn ra ngày 20/4 trên Báo điện tử Dân trí.
Với cú hích từ dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã và đang tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Điểm sáng của thị trường thương mại điện tử năm 2022 thể hiện ở xu hướng tích cực triển khai hình thức kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thậm chí là cá nhân, từ thành thị đến nông thôn, mở rộng ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm. Báo cáo Year In Search 2021 được thực hiện bởi Google cho thấy số lượt tìm kiếm thông tin về cách bán hàng trực tuyến liên quan đến nhà bán hàng và người bán hàng tại Việt Nam trong giai đoạn từ đầu tháng 9/2020 đến hết tháng 8/2021 đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn một năm trước đó.
Không chỉ thúc đẩy nhiều nhà bán hàng tham gia vào nền kinh tế số, đại dịch còn là chất xúc tác cho xu hướng chuyển sang tiêu dùng kỹ thuật số của phần lớn người Việt Nam. Nếu vài năm trước đây, người tiêu dùng vẫn còn khá dè dặt với khái niệm mua hàng online, bởi vốn dĩ thói quen được trải nghiệm sản phẩm ngay tại cửa hàng là một trong những nhu cầu khi mua sắm.
Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của mọi người, bất kể khu vực thành thị hay nông thôn. Theo báo cáo thường niên về hành vi người tiêu dùng được thực hiện bởi Facebook và GroupM Việt Nam, người tiêu dùng nông thôn ngày càng mua sắm nhiều hơn, với 46% người sử dụng Internet đến từ các tỉnh, thành phố thừa nhận tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến.
Không chỉ thường xuyên mua hàng, 85% người dùng Việt cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua sắm trực tuyến. Báo cáo của Google cũng chỉ ra rằng bên cạnh sự thống trị của khu vực thành thị trên "bản đồ trực tuyến" về chi tiêu, thị trường nông thôn Việt Nam cũng đang trên đà phát triển và sẵn sàng cho mức tăng trưởng nhanh vượt bậc trong tương lai. Hiện nay, ngay cả những mặt hàng xa xỉ phẩm, khách hàng vẫn có thể thử trên website với các tính năng tối ưu hóa mà không cần trực tiếp có mặt tại cửa hàng. Nếu cảm thấy sản phẩm phù hợp, người dùng hoàn toàn có thể đặt mua và được giao hàng đến tận nhà trong một khoảng thời gian nhất định.
Sự phát triển mạnh mẽ này đồng thời đã đặt ra những bài toán mới về vai trò kết nối của các công ty chuyển phát nhanh, khi yêu cầu về thời gian, chất lượng giao hàng từ người bán đến người mua cao vượt trội so với trước.
Trước bối cảnh mới này, Báo điện tử Dân trí tổ chức Chuỗi tọa đàm trực tuyến Chỉ dẫn đỏ, với số phát sóng đầu tiên mang chủ đề "Chuyển phát nhanh - thành bại của bán hàng online". Tọa đàm diễn ra vào 10h ngày 20/4/2022, kỳ vọng sẽ mang lại bức tranh về ngành kinh doanh trực tuyến và chuyển phát nhanh, đồng thời nhận diện tính liên kết và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong lĩnh vực này.
Tọa đàm sẽ gồm có 3 phần.
Phần 1 sẽ khái quát tổng thể ngành Thương mại điện tử sau Covid-19. Khách mời sẽ chia sẻ những tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường, làm rõ hơn điểm sáng của kinh tế giữa đại dịch.
Phần 2 nêu lên những điểm quyết định thành bại và mối liên kết với giao hàng chuyển phát nhanh.
Phần 3 với tiêu đề là "Kết nối quan trọng với người bán" sẽ chỉ ra tính liên kết để cùng tạo ra giá trị phục vụ cho người dùng và doanh nghiệp.
Buổi tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các khách mời: Ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng giám đốc ACCESSTRADE, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam.
Các khách mời sẽ cùng khái quát bức tranh năm 2022 của ngành kinh doanh trực tuyến và chuyển phát nhanh, nhằm mang đến cái nhìn cặn kẽ và chính xác nhất về những thay đổi, cải tiến của các doanh nghiệp này nhằm mang tới xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Buổi trò chuyện sẽ đi thẳng vào các vấn đề để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, để không bỏ lỡ cơ hội giao lưu với các khách mời, kính mời quý độc giả đặt câu hỏi tại đây .