Chủ tịch VCCI:

Đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp"

Hà Phong

(Dân trí) - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được.

Tại tọa đàm: "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (8/10), các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng phân tích, chia sẻ về sự đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế; sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang cần xử lý, xem xét; những kiến nghị, đề xuất cụ thể của doanh nghiệp...

Liên quan tới thị trường vốn, tín dụng thời gian qua được đánh giá là tăng trưởng khá "nóng", bên cạnh việc hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế thì cũng tiềm ẩn các rủi ro đối với ngân hàng, nhà đầu tư. Chính phủ chỉ đạo, chấn chỉnh trong thời gian qua, nhất là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của các thị trường này.

Đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những cú phanh gấp - 1

Tín dụng thời gian qua được đánh giá là tăng trưởng khá "nóng" (Ảnh minh họa: Kiều Chinh).

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, vốn là vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp. Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại đối với doanh nghiệp.

Ông Công cho rằng, câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn. Trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được. Chúng ta phải rất khéo léo, rất thông minh để giải bài toán này.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, giai đoạn Covid-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó rồi nhưng tôi cho rằng sắp tới đây giải bài toán này cũng không hề đơn giản. Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt, với sự lãnh đạo rất vững vàng của Thủ tướng trong thời gian qua thì chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, sau 2, 3 năm dịch thì thường thiếu vốn. Phải thống nhất quan điểm ngay từ đầu để thấy được việc bơm vốn cho nền kinh tế là việc phải làm.

Theo ông Thiên, cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam gồm mấy yếu tố: Thị trường tiền tệ; thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp). Chúng ta phải đặt bối cảnh là sự nở rộ của thị trường trái phiếu, gọi là tăng trưởng nóng, nằm trong bối cảnh là nguồn vốn bơm ra cho nền kinh tế, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, rất chậm.

Thứ hai là chương trình phục hồi và phát triển nguồn vốn bơm ra giải ngân cũng rất chậm. Như vậy, nguồn lực chúng ta kỳ vọng rất nhiều để phục hồi kinh tế, thay đổi cái diện mạo nền kinh tế sau dịch lại chậm và trong trường hợp đấy, sự bùng nổ của thị trường vốn tư nhân là rất có ý nghĩa để giúp giải tỏa cơn khát.

Cũng theo ông Thiên, vừa rồi, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết mấy sự cố làm cho thị trường này ngưng lại, tức là "nguồn máu" của tư nhân cũng bị ngưng lại. Đấy là vấn đề chúng ta phải giải quyết.

Còn thị trường tiền tệ, vốn vay ngân hàng, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, bản chất thị trường là ngắn hạn, chúng ta không thể để tình trạng rủi ro quá, nhiều nhất là trong cái bối cảnh hiện nay thế giới quá nhiều rủi ro. Đặc biệt là trong cấu trúc tài chính tiền tệ thì việc ứng xử của ngân hàng cơ bản là phù hợp.

Theo ông Thiên, hiện nay, thị trường cổ phiếu đang có vấn đề rất nghiêm trọng. Chính phủ tập trung vào chỗ này là điều kiện bắt buộc và phải làm. Việc này tiếp cận không phải để phục vụ lợi ích nhóm mà là "bơm máu" vào nền kinh tế để tạo ra các động lực mới khôi phục đà của nền kinh tế. Nếu không chúng ta đánh mất thời cơ.

Ông nhận định, Chính phủ đưa ra Nghị định số 65/2022 về trái phiếu doanh nghiệp là một nỗ lực theo tinh thần như vậy. Làm được Nghị định này đáp ứng được nhu cầu như bây giờ là không dễ vì vừa an toàn lại vừa thỏa mãn cơn khát.