1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó thống đốc: "Điều hành tín dụng giống giải phương trình đã có đáp số"

Thảo Thu

(Dân trí) - Một công cụ điều hành không đứng riêng mà phối hợp đồng bộ giữa lãi suất, tỷ giá, hạn mức tín dụng… để giải được "đáp số" sẵn có là kiểm soát lạm phát, ổn định dòng tiền, kinh tế vĩ mô.

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 sáng 23/9, trước câu hỏi xoay quanh việc Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức tăng lãi suất huy động sau gần 2 năm, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết đây là một trong những công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

"Một công cụ không đứng riêng rẽ mà phải phối hợp đồng bộ mới thực hiện được mục tiêu chính sách", ông Tú lưu ý việc đánh giá tác động của tăng lãi suất phải đặt cạnh các vấn đề như tỷ giá, hạn mức tín dụng...

Lãi suất (%/năm)Mới
Trần lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng4%5%
Trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng0,2%0,5%
Tái cấp vốn4%5%
Tái chiết khấu2,5%3,5%

Ông Đào Minh Tú so sánh điều hành tín dụng giống giải phương trình đã có "đáp số" là kiểm soát lạm phát, ổn định dòng tiền, kinh tế vĩ mô. Tham số là việc điều hành hợp lý. Khi đưa ra vấn đề thì phải đặt trong tương quan kết nối đồng bộ các công cụ với nhau.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết áp lực lạm phát tại Việt Nam vẫn lớn bởi kinh tế có độ mở cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến gần 190% GDP. "Điều này dẫn đến lạm phát nhập khẩu vào nền kinh tế lớn", ông nói. Đồng Việt Nam (VND) mất giá sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ông Quang thông tin, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành để VND giữ được giá trị ổn định. Về mặt nguyên lý kinh tế, ông cho rằng không thể cùng lúc ổn định cả lãi suất và tỷ giá. Tại các ngân hàng trung ương trên thế giới, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, cũng phải nâng theo để tỷ giá đồng tiền hai nước không chênh lệch cao. Ông Quang nhấn mạnh trước bất ổn kinh tế, VND giảm giá ít hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Ông Quang cho biết nếu để mặt bằng lãi suất ổn định lâu sẽ gây áp lực lên tỷ giá và bất ổn kinh tế vĩ mô, điều này khiến Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất điều hành.

Phó thống đốc: Điều hành tín dụng giống giải phương trình đã có đáp số - 1

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, để lãi suất ổn định lâu sẽ gây áp lực lên tỷ giá (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Về vấn đề lãi suất cho vay, ông cho biết tại Nghị quyết 43, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất 0,5-1%. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng liên tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường áp dụng công nghệ để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp.

Xoay quanh vấn đề room tín dụng, ông Quang tiết lộ vừa rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng đại diện các tổ chức tín dụng đã tổ chức hội nghị để trao đổi. "Cuộc họp kéo dài 7 tiếng, tất cả tổ chức tín dụng khẳng định giải pháp điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước khoa học, dựa trên điều kiện, tình hình hoạt động và khả năng tài chính. Mục tiêu cuối cùng vẫn là ổn định vĩ mô, hệ thống ngân hàng và phát triển năng lực từng ngân hàng", ông nói.

Đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nói thêm về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đặt ra con số mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2022 nhưng có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất từ nay đến cuối năm, nên hiện vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Điều này nhằm kiểm soát lạm phát, không chỉ riêng năm 2022 mà cả năm 2023, trong bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định.