Doanh số "lao dốc", thị trường xe tải, xe khách thiệt đơn hại kép

An Linh

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường xe nói chung suy giảm nặng nề, ngoài xe du lịch suy giảm mạnh, xe khách và xe tải của các doanh nghiệp Việt cũng chịu chung số phận.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 8/2020, doanh số xe thương mại và xe tải suy giảm khá mạnh, xe thương mại bán ra chỉ đạt hơn 37.400 chiếc, giảm hơn 9.300 chiếc so với cùng kỳ năm trước; xe tải và xe chuyên dụng chỉ bán được gần 36.000 chiếc, giảm gần 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số lao dốc, thị trường xe tải, xe khách thiệt đơn hại kép - 1

Nhiều hãng xe bus tại Việt Nam ghi nhận doanh số bán ra giảm do thị trường lao dốc bởi dịch bệnh. Ở phân khúc xe khách, nhiều hãng xe tại Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa cao nên giảm doanh số đồng nghĩa nguy cơ hàng tồn, thua lỗ cao

Lượng xe thương mại có doanh số giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến doanh thu của hàng loạt thương hiệu xe hơi tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam có một số mẫu xe khách và tải cỡ nhỏ, vừa lớn như Kia, Hyundai do doanh nghiệp trong nước lắp ráp, hoặc trực tiếp sản xuất như Thaco.

Trong khi đó, các mẫu xe lắp ráp khác như Veam, liên doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hino, Isuzu, Suzuki của Nhật Bản tại Việt Nam cũng đều bị ảnh hưởng về doanh số do nhu cầu thị trường đã và đang suy giảm mạnh.

Hiện, tỷ lệ nội địa hóa trong xe bus, xe khách và xe tải nhỏ của các hãng xe lắp ráp, liên doanh hoặc trực tiếp sản xuất đang khá cao chiếm từ 40 - 70%. Nhiều doanh nghiệp xe có doanh thu và lợi nhuận lớn đến từ doanh số bán các dòng xe khách, tải nhỏ hoặc xuất khẩu các linh kiện khung gầm, thùng xe; ống xả... cho các đối tác.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường, các mẫu xe bus 16 chỗ ngồi, 29 chỗ ngồi suy giảm mạnh do các doanh nghiệp vận tải giảm tần suất chuyên chở khách hàng, nhóm khách hàng lớn như cơ quan, trường học ký trung gian thuê xe bus vận chuyển khách cũng suy giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, xe tải đông lạnh, xe tải thường từ 1 - 1,5 tấn trước đây có doanh số bán rất tốt nhưng từ đầu năm đến nay lượng bán ra đã suy giảm mạnh, chủ yếu xe tải đông lạnh bị giảm, thất thu lớn cho các hãng.

Ông Dương Văn Hiền - Giám đốc kinh doanh doanh nghiệp nhập khẩu xe tải tại Việt Nam - cho hay: "Xe tải đông lạnh loại 500kg đến 1 tấn có doanh số bán chạy nhất nhưng dịch khiến mất doanh số khoảng 60%. Các tháng có dịch, hầu như xe không thể xuất cho khách.

Trong khi đó, các xe tải chuyên dụng khác từ 3,5 - 20 tấn chở hàng hóa, nguyên vật liệu, thành phẩm cũng giảm mạnh do hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp bị đình hoãn".

Doanh số lao dốc, thị trường xe tải, xe khách thiệt đơn hại kép - 2

Doanh số xe bán ra suy giảm, nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô tải gặp khó

Để giữ khách, nhiều doanh nghiệp, hãng xe bắt buộc phải bán chịu, giao tiền theo tiến độ hoặc chiết khấu sâu phần giá bán đại lý để hạ giá xuất xe.

Theo tìm hiểu, các mẫu xe từ 1 - 1,5 tấn thường có giá bán trước đây khoảng 450 - 470 triệu đồng/chiếc, nay đều được giảm 30 - 50 triệu đồng để kích cầu. Các mẫu xe tải đông lạnh dưới 5 tạ cũng được giảm từ 20 - 30 triệu đồng, bán ra ở mức giá 300 triệu đồng/chiếc.

Trước đây, các mẫu xe tải loại lớn từ 10 - 20 tấn tại Việt Nam là thị trường của các thương hiệu xe Trung Quốc như Howo, JAC, Dongfeng hay FAW... Tuy nhiên, gần đây, các loại xe chuyên dụng, hạng nặng này có sự cạnh tranh của các hãng Hyundai, Hino và Thaco, chính vì vậy các hãng phải giảm giá mạnh để có thị trường và lấy doanh số của nhau.