Thuế tiêu thụ đặc biệt được chậm nộp, doanh nghiệp có giảm giá bán xe?

An Linh

(Dân trí) - Chính phủ cho doanh nghiệp được chậm nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt sang chu kỳ sau và người tiêu dùng, thị trường cũng đang đang ngóng đợi động thái "tri ân" của doanh nghiệp là giảm giá xe bán ra.

Chính phủ vừa cho phép các doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi sản xuất, lắp ráp trong nước từ 15/9.

Thuế tiêu thụ đặc biệt được chậm nộp, doanh nghiệp có giảm giá bán xe? - 1

Chính phủ tiếp tục ưu đãi chính sách cho doanh nghiệp xe trong nước, điều người tiêu dùng, thị trường chờ đón họ là có hay không việc giảm giá để tri ân chính sách, người tiêu dùng?

Cụ thể, thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau:

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4/2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5/2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020.

Như vậy, sau phí trước bạ được giảm 50% (từ 10-12% xuống 5-6%), cùng hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, việc giãn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp doanh nghiệp ô tô hưởng lợi và hiện người dân rất trông chờ vào động thái giảm giá xe của các doanh nghiệp do họ ưu đãi chính sách từ Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một chuyên gia về thuế từ Tổng cục Thuế khẳng định khó có thể giảm bởi vì thuế Tiêu thụ đặc biệt chỉ được gia hạn, số tiền thuế vẫn sẽ nộp vào chu kỳ sau. Chính sách giãn nộp chỉ giảm áp lực cho doanh nghiệp chứ không bỏ nghĩa vụ cho doanh nghiệp.

Cũng theo lời của một chuyên gia về thuế từ Học viện Tài chính, với việc giãn hoãn thuế, chắc chắn các hàng hóa bán ra chịu mức thuế suất đó sẽ không giảm tương ứng theo tỷ lệ.

Theo phân tích, các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp nộp ở các chi cục thuế hiện nay cũng không quy định giảm thuế lên sản phẩm của doanh nghiệp và cơ quan thuế cũng bắt buộc doanh nghiệp giảm giá trên sản phẩm. Chính vì vậy, cơ hội giảm giá xe là rất khó, trừ trường hợp doanh nghiệp cảm thấy dễ thở hơn, đỡ áp lực hơn về thuế, bán giá sản phẩm rẻ ra thị trường nhằm tri ân hoặc bán hàng tồn đọng, đẩy doanh số cho kịp năm tài chính.

Hiện, thuế Tiêu thụ đặc biệt đánh vào người mua hàng cuối cùng một sản phẩm, sắc thuế này vẫn được đánh cho nhiều mặt hàng không khuyến khích mua sắm hoặc đánh vào mặt hàng nào đó để định hướng tiêu dùng: thu của người giàu và là nguồn bổ sung ngân sách lớn.

Hiện, thuế Tiêu thụ đặc biệt vẫn được thu trước từ doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp cân đối mức thuế và tính giá bán sản phẩm ra thị trường. Thực chất của việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế người dân sử dụng ô tô và thu thuế của người có kinh tế khá giả, sử dụng ô tô.

Tại Việt Nam, hiện mức thuế Tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô tô vẫn thấp nhất là 35%, cao nhất là 150% tùy theo dung tích xy lanh (từ 1.0 đến 6.0L). Nhiều nước hiện nay đã và đang bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi sử dụng động cơ điện, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu thân thiện môi trường hoặc xe có dung tích xy lanh nhỏ dưới 1,5L nhằm chuyển đổi phương tiện giao thông.

Việt Nam đã bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm điều hòa, tủ lạnh từ nhiều năm trước đây, song đối với phương tiện ô tô chỉ giảm từ 45% xuống 35%.