Doanh nghiệp Việt “đánh bắt xa bờ”, bỏ ngỏ thị trường ASEAN?

(Dân trí) - Thứ trưởng dẫn thống thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Châu Á đạt 79,8 tỷ USD, tăng 7,2% trong đó xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,3 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Chi phí xúc tiến thương mại bằng 1/10 Thái Lan

Theo thống kê, các hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 đã thu hút hơn 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 6,3 tỷ USD và trên 2.000 tỷ đồng. Riêng năm 2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt 236 đề án Xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ trên 70 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí gần 114 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đầu tư cho xúc tiến thương mại của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong khi đó các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển trên thế giới từ lâu đã đầu tư mạnh mẽ cho mạng lưới các cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với mục tiêu lâu dài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng “phẳng” và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

"Kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo số liệu của World Bank - 2010). Tính theo tỷ lệ phần trăm, chỉ tương đương 1/4 kinh phí của Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan", ông nói.

Trên thực tế, hạ tầng xúc tiến thương mại của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp kém, các Trung tâm Hội chợ triển lãm hiện tại chưa thể đáp ứng việc tổ chức các hoạt động có quy mô lớn, thiết kế không phù hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại hiện đại, đã xuống cấp do sử dụng nhiều năm. Tại nhiều địa phương, chưa có Trung tâm Hội chợ triển lãm, hoặc đã có nhưng đã được chuyển đổi chức năng sử dụng.

Do vậy, theo Thứ trưởng, trong bối cảnh khó khăn đó, để tăng cường hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại có hỗ trợ của Nhà nước thì việc các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường là điều đánh hoan nghênh vì đã phát huy được tinh thần Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành. Nhà nước không làm thay doanh nghiệp mà hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Việt Nam có đang "đánh bắt xa bờ"?

Trước ý kiến cho rằng, Việt Nam đang bỏ ngỏ các thị trường trong khối ASEAN mà chỉ chú tâm vào việc “đánh bắt xa bờ” tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU… trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Thực tế, tôi cho rằng không có sự bỏ ngỏ thị trường nào, mà sẽ có những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với những thị trường khác bởi các lý do của thị trường”.

Thứ trưởng dẫn thống thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Châu Á đạt 79,8 tỷ USD, tăng 7,2% trong đó xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,3 tỷ USD.

"Chúng ta hay nghe nói tới việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật, Nga.. bởi các thị trường này có kim ngạch xuất khẩu tương đối cao như xuất khẩu sang Mỹ năm 2015 đạt 32,8 tỷ USD, EU đạt 30,9 tỷ USD. Các thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu một phần là do tính tương hỗ, bổ trợ của các thị trường đối với Việt Nam là rất cao, trong khi đối với các nước ASEAN, nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta có tính tương đồng cao”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng cho rằng, không có thị trường nào giống với các thị trường còn lại. Do đặc tính của thị trường được quy định bởi quy mô dân số, văn hóa, tôn giáo, thói quen tiêu dùng, đặc điểm khí hậu và nhiều yếu tố khác. Do đó các thị trường trong khối ASEAN chắc chắn có sự khác biệt đối với thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.

"Sự khác biệt ở đây có thể thấy rõ ở quy mô thị trường, đặc tính tiêu dùng và văn hóa. Do đó, để có thể thành công trên từng thị trường, điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu kỹ từng đặc tính riêng của thị trường để có các hoạt động thâm nhập phù hợp”, ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới sẽ được tập trung để tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa, và tận dụng lợi thế mở cửa thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ không chỉ tập trung vào thị trường ASEAN, mà còn nhiều thị trường khác.

Phương Dung