Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải Quan, năm 2015, trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ thương mại, có 29 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, với tổng giá trị 147 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong đó, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ và Eu đạt trên 30 tỷ USD. Tại 2 thị trường này, Việt Nam đều xuất siêu với giá trị lớn trên 20 tỷ USD.

Năm 2015 cũng ghi nhận lần đầu tiên Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 thị trường so với năm 2014 và năm 2013, hai thị trường gia nhập mới đến từ Châu Mỹ La tinh và Châu Phi.


Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, có 19 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu trên 1 tỷ USD với tổng kim ngạch đạt 150,4 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng giá trị nhập khẩu cả nước. Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN là các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất.

Theo Tổng cục Hải Quan, từ năm 2010 đến nay Hoa Kỳ đã và đang là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch tăng trung bình trên 10%/năm. Năm 2015, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tạo kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, trên 33,5 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2014. Thặng dư thương mại đạt trên 25,7 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào nước này là: dệt may, giày dép, máy vi tính, linh kiện điện tử...

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,9 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: dệt may, da giầy, thực phẩm, nông sản, gỗ và ngũ cốc...

Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD - 2

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam, hiện Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ là ba thị trường lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt là 49%, 21% và 25%.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này sẽ càng tăng do Việt Nam đã và đang ký kết, thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do song và đa phương như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, lợi thế lớn về miễn giảm thuế quan sẽ khiến các mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Thị trường xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam sẽ mở rộng, đặc biệt thặng dư thương mại chục tỷ USD sẽ không chỉ có hai ba nước mà sẽ có thêm nhiều nước nữa.

Tuy nhiên theo ông Khánh: sau khi miễn thuế, xóa thuế, các nước sẽ dựng nhiều hàng rào phi thuế quan như: tiêu chuẩn, mẫu mã, bao bì và vấn đề môi trường. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn về sinh thực phẩm, môi trường và con người nghiêm ngặt của các nươcs để nắm chắc cơ hội, tránh bị vướng vào những vụ kiện tụng không đáng có, gây thất thiệt về xuất khẩu.

Ngoài tín hiệu vui về thị thường xuất khẩu, Tổng cục Hải Quan cũng cảnh báo các thị trường "nhập khẩu truyền thống” và thâm hụt thương mại lớn của Việt Nam có chiều gia tăng, trong đó có nhập khẩu từ Trung Quốc đạt gần 50 tỷ USD, (nhập siêu 32,3 tỷ USD); nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 27,6 tỷ USD, nhập siêu 18,7 tỷ USD, nhập khẩu từ các nước ASEAN đạt 23,8 tỷ USD, nhập siêu 5,6 tỷ USD.

Nguyễn Tuyền

 

Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD - 3