1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp Việt chi đầu tư nghiên cứu và phát triển kiểu "cho có"

(Dân trí) - Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp (DN) luôn coi hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) là bộ phận không thể thiếu, đầu tư ít nhất 9% lợi nhuận từ bán hàng dành cho R&D. Còn tại Việt Nam, các khảo sát và đánh giá cho thấy tỷ lệ đầu tư cho R&D chỉ dưới 1%/tổng doanh thu.

Theo số liệu điều tra năm 2014 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng số 7.450 doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ có 464 doanh nghiệp khẳng định là có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (chiếm 6,23%).

Kết quả này cho thấy số lượng các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến các hoạt động R&D là rất lớn. Nếu tính tổng vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ thì tỷ lệ đó của các doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 0,2 - 0,5 doanh thu, trong đó đầu tư cho R&D chỉ khoảng 0,01% doanh thu.

Tỷ lệ doanh nghiệp Việt đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển đang ở mức thấp và có xu hướng giảm (ảnh minh hoạ)
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển đang ở mức thấp và có xu hướng giảm (ảnh minh hoạ)

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tổ chức R&D, chưa chủ động trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra rằng, đa số các DN không tập trung nhiều vào R&D. Ngay cả đối với một số doanh nghiệp có quy mô lớn cũng đầu tư rất ít vào R&D so với tổng doanh thu của họ.

Đánh giá của Tổng cục Thống kê trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016, trong 728 DN thuộc các ngành nông nghiệp, công nghệ thông tin và y dược được khảo sát trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ đầu tư cho các hoạt động R&D của các DN cũng rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ chi phí cho R&D so với doanh thu của các DN trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông là 2,97%, ngành nông nghiệp và thủy sản là 2,92% và ngành y dược cổ truyền là 2,75%. Trong khi đó, chỉ tiêu này của các ngành khác đạt mức 3,3%.

TS Đặng Thu Hương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) cho biết, kết quả điều tra 300 DN công nghiệp (mỗi DN có ít nhất là 15 lao động trở lên) ở Hưng Yên năm 2016 cho thấy, có đến 58,5% số DN không có hoạt động chi cho R&D. Trong khi đó, chỉ có khoảng 14,2% các DN dành mức chỉ từ dưới 0,5% doanh số cho hoạt động này. Đồng thời, có 16,2% DN có mức chi từ 1,5% đến 2%. Tỷ lệ các DN còn lại có chi cho R&D ở các mức chỉ chiếm khoảng dưới 3%.

"Qua kết quả nghiên cứu định tính thì trong khoảng 03 năm gần đây, dường như không có doanh nghiệp công nghiệp nào xây dựng chiến lược R&D cho doanh nghiệp", TS Thu Hương cho biết.

Theo TS Hương, các DN Việt đang có xu hướng duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn thay vì sử dụng nguồn lực cho đầu tư hoạt động R&D. Xét về giá trị ước tính kinh phí đầu tư cho R&D trong các doanh nghiệp thấy rằng, trong số các doanh nghiệp có chi cho R&D có khoảng 9% doanh nghiệp dành dưới 100 triệu đồng cho R&D và 37% dành mức chi cao hơn 100 triệu đồng.

Còn đối với khu vực công nghiệp chế xuất thì sao, kết quả khảo sát hơn 200 DN của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học KTQD) cho thấy, chỉ có 22,8% DN chế tạo/chế biến và 25% DN lắp ráp có bộ phận R&D.

Tuy nhiên tỷ lệ đầu tư cho R&D cũng rất thấp: đầu tư từ 0-1% của DN chế biến và lắp ráp lần lượt là 19% và 16,6%; tiếp theo là đầu tư từ trên 0,5% đến 1% chiếm lần lượt là 12,3% và 14,8%). Đặc biệt, không có DN lắp ráp nào đầu tư từ 3% đến 4,5%. Trong khi đó, DN chế tạo/chế biến đầu tư từ 3-3,5% chiếm tỷ lệ khoảng 8,6%. Ngược lại, có tới trên 6% doanh nghiệp lắp ráp đầu tư từ trên 5% R&D/tổng doanh thu trong khi DN chế biến chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 1%.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, hiện hầu như các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất và định giá sản phẩm mà chưa tập trung vào các khâu tạo nên giá trị gia tăng như R&D, xúc tiến tiếp thị (P&M). Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, đối với R&D, nếu được phát huy tốt, có thể tạo ra tới 30-35% giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ và P&M cũng có thể tạo ra 20-25% giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, nếu không đầu tư cho R&D doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm toàn cầu.

Nguyên nhân đầu tư vào R&D có chi phí quá cao và thời gian thu hồi vốn lại quá dài. Ngoài ra một số yếu tố thuộc bên trong DN cũng là nguyên nhân gây trở ngại cho đầu tư R&D. Chẳng hạn như có tới 56,7% doanh nghiệp thiếu thông tin về công nghệ và khoảng 57% cho rằng họ rất thiếu thông tin về thị trường; 50,7% cho rằng khó kiểm soát chi phí.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay: Tỷ lệ áp dụng R&D trong ngành cơ khí đang ở mức thấp; các ngành có vốn cho R&D kể cả mua bản thiết kế, bằng sáng chế hay nghiên cứu của nước ngoài thuộc về phần lớn công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghệ sinh học, còn công nghiệp nặng và nông nghiệp chưa có. Đáng nói, tỷ lệ vốn chi ngân sách Nhà nước cho Khoa học và công nghệ qua các năm luôn ở vị trí "áp chót".

Ngoài ra, hiện nay hiệu quả chuyển giao công nghệ, hợp tác chuỗi trong kỹ thuật giữa DN trong nước và DN FDI còn thiếu và yếu. Các DN FDI chưa lan toả được thế mạnh công nghệ. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam còn thấp, năm 2014 ở vị trí thứ 103/134, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với vị trí các nước trong khu vực như Malaisia xếp thứ 13, Thái Lan 36, Indonesia 39, Philipines 42 và Campuchia 44.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm