1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp Trung Quốc đang xem xét cơ hội đầu tư tái thiết Afghanistan

(Dân trí) - Các đại diện doanh nghiệp Trung Quốc tại Afghanistan đang thiết lập một nền tảng để xúc tiến đầu tư vào nước này sau khi Taliban tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời hôm 7/9.

Thời báo Hoàn Cầu cho biết, trong khi tình hình tại Afghanistan chưa rõ ràng, một số nước lớn vẫn chưa công nhận chính quyền Taliban, các đại diện doanh nghiệp Trung Quốc tại nước này đang xem xét khả năng đầu tư vào tái thiết Afghanistan.

Doanh nghiệp Trung Quốc đang xem xét cơ hội đầu tư tái thiết Afghanistan - 1

Một công nhân tại nhà máy sản xuất sợi thủy tinh ở Afghanistan (Ảnh: Xinhua).

Để tránh những rủi ro cho giới kinh doanh và học giả Trung Quốc ở đó, nhóm đại diện doanh nghiệp China Town ở Kabul đang nỗ lực thành lập "Viện Afghan".

"Chúng tôi đã ký thỏa thuận với nhiều doanh nghiệp trong nước, các đại học và các tổ chức khác để cùng xây dựng nền tảng này nhằm phục vụ cho các tổ chức và doanh nghiệp có nhu cầu", một nhân viên tên Gao của nhóm doanh nghiệp Trung Quốc tại Kabil nói với Thời báo Hoàn Cầu.

Theo ông Gao, kể từ khi công bố kế hoạch xây dựng nền tảng này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác mỏ đã liên hệ để thảo luận về các cơ hội đầu tư. Hiện nền tảng đã hoàn thành phần khung và có thể sẽ ra mắt trong một tuần nữa.

Ông Li Xijing - Phó Tổng giám đốc của China Town - cho biết, China Town sẽ cung cấp các dịch vụ toàn diện cho viện Afghan, bao gồm các thông tin về ngành, an toàn cá nhân, kết nối chính phủ, dịch vụ hối đoái, thuế và dịch vụ logistic tại Afghanistan.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, sau nhiều năm bất ổn và kém phát triển dưới thời chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn, chính phủ Taliban đang thể hiện quyết tâm đảm bảo quyền thống trị của mình tại nước này. Các chuyên gia cho rằng, điều đó có nghĩa Taliban sẽ phải ưu tiên giải quyết các vấn đề nội tại, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, vẫn còn nhiều rủi ro khi đầu tư vào nước này, bao gồm sự công nhận quốc tế, các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của phương Tây và sự bất ổn của khu vực. Ngoài ra, Taliban còn phải thực hiện được các cam kết đã đưa ra trước khi có thể đầu tư lớn vào nước này.

Nói với Thời báo Hoàn Cầu, ông Yan Wei - giáo sư của Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Đông Bắc (Trung Quốc) cho rằng, có nhiều lưu ý quan trọng đối với hoạt động đầu tư quy mô lớn vào Afghanistan, bao gồm việc Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc vẫn áp các lệnh trừng phạt đối với Taliban. Ngoài ra, liệu EU và Mỹ có áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt vào Taliban hay không cũng cần tính đến. Bởi nếu các lệnh trừng phạt được áp dụng, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể phải gánh chịu hậu quả.

Tuy nhiên, trong khi các dự án lớn có thể chưa được thực hiện ngay thì các thương mại và các khoản đầu tư ngắn hạn vẫn có thể đổ bộ sớm.

"Các hoạt động thương mại ngắn hạn như xuất khẩu thực phẩm, vật tư y tế bao gồm cả các mặt hàng phòng chống dịch bệnh, nhu yếu phẩm hàng ngày và các sản phẩm công nghiệp sang Afghanistan cũng như nhập khẩu các sản phẩm nông sản từ Afghanistan vẫn có thể khả thi", ông Yan nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm