Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với nền kinh tế Afghanistan?

(Dân trí) - Nền kinh tế Afghanistan khá mong manh và phụ thuộc nhiều vào viện trợ. Đó là tổng quan đáng quan ngại được Ngân hàng Thế giới đưa ra vài tháng trước khi lực lượng Taliban tiếp quản.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với nền kinh tế Afghanistan? - 1

Taliban khiến các nhà tài trợ viện trợ nước ngoài lo lắng (Ảnh: EPA).

Hiện tại triển vọng kinh tế nước này thậm chí còn bấp bênh hơn vì viện trợ tài chính trong tương lai trở nên mờ mịt hơn.

Afghanistan có nguồn tài nguyên khoáng sản khá lớn nhưng tình hình chính trị bất ổn đã cản trở việc khai thác các nguồn tài nguyên này.

Nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc lớn vào viện trợ. Năm 2019, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, viện trợ phát triển cho Afghanistan đã tương đương 22% tổng thu nhập quốc dân của nước này (GNI).

Theo BBC, con số này cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 49% mà Ngân hàng Thế giới đã công bố 10 năm trước.

Tuy nhiên, giờ đây, những dòng viện trợ này đang trở nên mờ mịt và không chắc chắn. Tuyên bố trên đài ZDF vào tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heike Maas nói: "Chúng tôi sẽ không viện trợ thêm một xu nào nếu Taliban tiếp quản đất nước và ban hành đạo luật Hồi giáo Sharia".

Các nhà viện trợ khác chắc chắn cũng đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên chính trường Afghanistan để có những động thái tiếp theo.

Nạn tham nhũng

Sự mong manh mà Ngân hàng Thế giới đề cập đến được minh họa bằng mức chi tiêu cho an ninh trước khi Taliban tiếp quản rất cao, chiếm đến 29% GDP so với mức chi trung bình 3% GDP của các nước thu nhập thấp.

Các vấn đề an ninh và tham nhũng nghiêm trọng đã kéo theo một vấn đề dai dẳng khác ở nước này đó là đầu tư nước ngoài rất yếu. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, trong 2 năm qua không có thông báo nào về các khoản đầu tư mới của các doanh nghiệp nước ngoài vào Afghanistan. Kể từ năm 2014 đến nay chỉ có tổng cộng 4 nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào nước này.

Trong khi đó, cùng thời kỳ trên, vốn đầu tư nước ngoài vào 2 quốc gia khác trong khu vực Nam Á có dân số nhỏ hơn như Nepal tăng hơn 10 lần và Sri Lanka tăng hơn 50 lần.

Đối với khu vực kinh tế tư nhân của Afghanistan, Ngân hàng Thế giới cho biết, khu vực này khá hẹp. Việc làm chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp với 60% hộ gia đình thu nhập từ nghề nông.

Tuy nhiên, theo BBC, nước này có một nền kinh tế ngầm lớn với các hoạt động khai thác bất hợp pháp, sản xuất thuốc phiện và các hoạt động liên quan đến buôn lậu. Trong đó, buôn bán ma túy là một nguồn thu quan trọng của Taliban.

Giàu tài nguyên thiên nhiên

Nền kinh tế Afghanistan bắt đầu phát triển kể từ khi Mỹ đưa quân vào nước này năm 2001. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng bình quân hàng năm của Afghanistan là hơn 9% trong hơn 10 năm kể từ năm 2003. Sau đó đã chậm lại ở mức trung bình 2,5% trong giai đoạn 2015-2020, do mức viện trợ thấp hơn.

Đất nước này có một nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể. Một số loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn như đồng, coban, than, quặng sắt. Ngoài ra nước này còn có cả dầu khí, đá quý và một loại khoáng sản có tiềm năng đặc biệt nổi bật là lithium - kim loại sử dụng để sản xuất pin cho các thiết bị di động và ô tô điện.

Theo BBC, trong bối cảnh an ninh tốt hơn và ít tham nhũng hơn, nguồn tài nguyên thiên nhiên này có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2020, một tướng hàng đầu của Mỹ nói với New York Times rằng, tiềm năng khoáng sản của Afghanistan là rất lớn.

Tuy nhiên, tiềm năng này chắc chắn không còn được khai thác và người dân Afghanistan nhận thấy được hưởng lợi rất ít từ nó, nếu có.

Cường quốc nước ngoài

Đã có nhiều thông tin cho rằng, Trung Quốc rất muốn tham gia vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan. Cơ hội với Trung Quốc dường như là rất lớn bởi hai nước có chung đường biên giới ngắn.

Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp Trung Quốc đã giành được hợp đồng khai thác đồng và dầu khí tại Afghanistan, khả năng việc triển khai rất thấp. Bởi cả quan chức lẫn doanh nghiệp Trung Quốc đều muốn chắc chắn thành công. Họ sẽ miễn cưỡng cam kết trừ phi cảm thấy các vấn đề an ninh và tham nhũng được kiểm soát.

Một câu hỏi quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư tiềm năng nhưng cứng rắn, từ Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào khác, là liệu Taliban có khả năng hơn chính phủ Afghanistan trước đây trong việc tạo ra một môi trường mà các nhà đầu tư mong muốn hay không.

Nhưng rõ ràng, trước mắt sẽ có nhiều bất ổn về tài chính. Nhiều người dân Afghanistan đang đổ xô đi rút tiền từ các nhà băng.

Tờ Afghan Islamic Press có trụ sở tại Pakistan đưa tin, phát ngôn viên của Taliban đã đưa ra lời đảm bảo rằng sẽ bảo vệ tính mạng và tài sản cho các chủ ngân hàng, người đổi tiền, thương nhân cũng như các chủ cửa hàng.