Doanh nghiệp lo áp lực kép về thuế, chuyên gia nêu giải pháp
(Dân trí) - Theo ý kiến của giới chuyên gia, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ngay có thể tạo thêm những áp lực cho cả doanh nghiệp và người lao động. Nhiều giải pháp đáng chú ý được đề xuất.
Mục tiêu của thuế TTĐB là tăng nguồn thu ngân sách và hạn chế tiêu dùng các sản phẩm không khuyến khích. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc tăng thuế này cần được thực hiện một cách thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Lấy một ví dụ là mặt hàng bia rượu, việc tăng thuế có thể làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước so với hàng nhập khẩu, cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch và dịch vụ liên quan. Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp trong ngành này phải cắt giảm nhân công để giảm chi phí.
Ô tô bán tải là phương tiện phục vụ cho nhiều ngành kinh tế khác nhau, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các ngành xây dựng, vận tải. Việc tăng thuế có thể làm tăng chi phí đầu vào cho các ngành này, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế. Khi các ngành này gặp khó khăn, người lao động làm việc trong đó cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Tương tự, với mặt hàng thuốc lá, việc tăng thuế quá cao và đột ngột như Dự thảo sửa đổi Luật thuế TTĐB hiện nay, kèm theo xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng do ảnh hưởng của thuế quan, thương mại toàn cầu, sẽ có thể càng đẩy người tiêu dùng đến các sản phẩm lậu, kích thích mạnh mẽ hơn nữa hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp, vốn đã là một vấn đề nhức nhối hiện nay.
Trong nhiều hội thảo, tọa đàm, các chuyên gia đã phân tích câu chuyện thuốc lá lậu không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn không đảm bảo chất lượng, gây hại gấp nhiều lần cho sức khỏe người tiêu dùng và gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp. Khi các doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp gặp khó khăn, người lao động trong ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tại tọa đàm mới đây về chính sách thuế TTĐB, ông Phan Quốc Đông, Phó Chi cục trưởng Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết các sản phẩm thuốc lá chính ngạch chịu các rào cản cơ chế và thuế xuất nhập khẩu 50%, thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.. Trong khi đó, các đối tượng buôn lậu lại lợi dụng, né tránh quy định sử dụng, trốn thuế.

Một hộ kinh doanh bị phạt hành chính 20 triệu đồng vì buôn bán 450 bao thuốc lá điếu nhập lậu (Ảnh: DMS).
Để giảm thiểu tác động tiêu cực đến người lao động trong bối cảnh kinh tế đối mặt với những cơ hội và thách thức từ câu chuyện khu vực, thế giới, chuyên gia nêu cần có những giải pháp đồng bộ.
Vào kỳ họp tháng 5 sắp tới, dự kiến, Luật Thuế TTĐB sẽ được thông qua. Theo giới chuyên gia, các mức thuế và lộ trình tăng thuế TTĐB nên chăng cần được cân nhắc một cách thận trọng để có mức tăng và lộ trình hợp lý, tránh tạo ra "cú sốc kép" cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế đã được đặt ra.
Nếu mức áp dụng đối với các ngành rượu bia, nước giải khát có đường, thuốc lá, ô tô vẫn được triển khai như Luật Thuế TTĐB sắp được thông qua, các ngành sản xuất những mặt hàng chịu thuế TTĐB này sẽ có thể chịu những "cú sốc". Tháng 7 cũng là thời điểm hết thời gian gia hạn chính sách thuế quan, sau khi chính sách thuế TTĐB dự kiến được thông qua vào tháng 5.
Không ít chuyên gia và tổ chức kinh tế đã khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng lộ trình điều chỉnh thuế TTĐB một cách từ tốn, thay vì tăng đột ngột. Đối với rượu bia, thuế nên được bắt đầu áp dụng từ năm 2028 và tăng thuế mỗi năm 5% theo Phương án 1. Đối với thuốc lá, nên tăng thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao mỗi 2 năm kể từ năm 2026 và đạt tối đa 6.000 đồng/bao vào năm 2030.
Cụ thể, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) từng có văn bản gửi tới Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong đó đề nghị cân nhắc lùi lộ trình tăng thuế, tính toán mức gia tăng hợp lý và giãn cách thời gian tăng.
Theo VCCI, việc tăng thuế TTĐB với các mặt hàng trong đó có thuốc lá ở mức cao và theo lộ trình đột ngột trong cả 2 phương án của Dự thảo Luật có thể gây ra các tác động tiêu cực, cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
VCCI đề xuất lùi lộ trình tăng thuế TTĐB với mức tăng hợp lý 5% mỗi 2 năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đảm bảo tính khả thi của chính sách và hạn chế tác động tiêu cực tới thị trường.
Với bia rượu, VCCI đề xuất phương án tăng thuế TTĐB với rượu từ 20 độ trở lên theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 80% vào năm 2032.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng nếu có, chẳng hạn như các chương trình đào tạo lại, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, và các biện pháp an sinh xã hội cũng cần được lưu tâm. Trong bối cảnh thương mại và kinh tế toàn cầu hiện nay, người lao động được cho là đối tượng dễ bị tổn thương.
Giới chuyên gia cho biết nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc điều chỉnh chính sách thuế, cũng như các biện pháp hỗ trợ người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng, để đảm bảo ổn định xã hội và phát triển bền vững.