1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp FDI trốn thuế: Lỗi tại chính sách chưa chặt?

(Dân trí) - Đồng Chủ tịch Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam Virginia Foote cho rằng, việc thu thuế doanh nghiệp là thách thức và khó khăn với bất cứ nền kinh tế nào, vấn đề quan trọng là Việt Nam phải xây dựng được hệ thống thuế chặt chẽ, không có kẽ hở để đảm bảo được công bằng và minh bạch.

Trao đổi với Phóng viên Dân trí tại phiên họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2015 liên quan đến vấn đề nộp thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bà Virginia Foote - Đồng Chủ tịch Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, thực tế có người có quan điểm này, quan điểm kia nhưng lại không có những con số chính xác để luận.

Diễn đàn VBF được tổ chức sáng 1/12 với khoảng 600 đại biểu, khách mời tham dự (Ảnh: Bích Diệp)
Diễn đàn VBF được tổ chức sáng 1/12 với khoảng 600 đại biểu, khách mời tham dự (Ảnh: Bích Diệp)

Theo đánh giá của bà Foote, chắc chắn việc thu thuế với doanh nghiệp sẽ luôn luôn là vấn đề thách thức, khó khăn với bất kỳ nền kinh tế nào.

“Tôi biết có những doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều năm không đóng thuế và truyền thông đã đề cập rất nhiều. Tuy nhiên, quan trọng là phải xây dựng được một hệ thống thuế đảm bảo được sự công bằng, minh bạch và giảm bớt những nguy cơ có thể dẫn đến tham nhũng hay có những kẽ hở luật pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng nhằm trốn thuế” – bà Foote đánh giá.

Theo bà Foote, việc doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để giảm số tiền thuế phải nộp là điều tự nhiên và dễ hiểu, song nếu xây dựng được một hệ thống toàn diện thì sẽ dễ dàng quản lý và truy đến được những doanh nghiệp gian lận và thu hồi các khoản thuế mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đóng.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua đã đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể phát triển như hôm nay nếu thiếu lực lượng các doanh nghiệp này.

Theo ông, đa số các doanh nghiệp FDI đã thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật và giữ uy tín. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp cá biệt chuyển giá, trốn thuế, có những hành vi ảnh hưởng tới môi trường. Theo đó, pháp luật phải xử lý với từng trường hợp cụ thể.

“Có lẽ vấn đề lớn nhất của cộng đồng FDI tại việt Nam là tác động lan tỏa với nền kinh tế không lớn như kỳ vọng” – ông Lộc nhận định. Theo đánh giá của ông, rõ ràng, đầu tư nước ngoài thời gian qua vào Việt Nam chủ yếu phát triển mạnh ở những ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp, tiền công rẻ…

Cho rằng doanh nghiệp FDI cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển, song sự hỗ trợ này theo đại diện VCCI phải là hỗ trợ theo chuỗi giá trị: doanh nghiệp chỉ nhận được chính sách ưu đãi, hỗ trợ về công nghệ, tín dụng nếu như tạo được chuỗi giá trị có thể kéo được thêm nhiều doanh nghiệp khác tham gia vào.

Do vậy, tư duy mới của doanh nghiệp trong hội nhập là tư duy chuỗi và tư duy về chính sách của nhà nước cũng phải là tư duy chính sách hỗ trợ theo chuỗi.

Trước câu chuyện này, bà Virginia Foote cho rằng, tại Việt Nam vẫn còn một số điều luật, Nghị định còn “phân biệt đối xử” trong ưu đãi, hỗ trợ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, nguyên tắc quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là “không phân biệt đối xử”, phải đối xử như nhau với tất cả các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Theo bà Virginia Foote, thành công lâu dài của Việt Nam sẽ là việc mang được các doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam và biến những doanh nghiệp này trở thành doanh nghiệp Việt Nam và sau đó làm cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động thành công ở nước ngoài.

Trước ý kiến này của bà Foote, ông Vũ Tiến Lộc đáp lại: “Tôi cũng mong các doanh nghiệp FDI khi đã chọn địa phương là quê hương thứ hai của mình thì cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng ở đây”.

Bích Diệp

Doanh nghiệp FDI trốn thuế: Lỗi tại chính sách chưa chặt? - 2