Chặn "chiêu bài" lập công ty con cháu để chuyển giá, trốn thuế

(Dân trí) - Sau nghi án chuyển giá của Sabeco và công ty này bị truy thu hơn 400 tỷ đồng, Chính phủ đã trình sửa đổi quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt khi bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại nhằm “bịt” các kẽ hở mà các doanh nghiệp có thể lợi dụng để trốn thuế, chuyển giá.

Những quy định cụ thể hơn về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) khi bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại đã được Chính phủ trình ra Quốc hội trong dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Việc xem xét lại giá tính thuế TTĐB được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cùng đề xuất và được Bộ Tài chính trình lên sau khi nổi lên vụ truy thu 408 tỷ đồng đối với Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Cụ thể, theo công bố của Kiểm toán Nhà nước tại cuộc họp báo hồi tháng 7 vừa rồi, cơ quan này đã kiến nghị truy thu thuế Sabeco vì cơ quan thuế trước đó đã áp mức giá của công ty mẹ là đơn vị sản xuất thay vì áp giá của công ty thương mại trước khi bán ra ngoài hệ thống.

Theo nhiều ý kiến, việc các doanh nghiệp lập ra nhiều nấc trung gian để phân phối, về bản chất có thể coi là dấu hiệu chuyển giá vì giúp giảm được số thuế TTĐB phải nộp.

Vụ truy thu thuế tại Sabeco cho thấy vẫn còn những kẽ hở trong quy định pháp luật về thuế
Vụ truy thu thuế tại Sabeco cho thấy vẫn còn những "kẽ hở" trong quy định pháp luật về thuế

Trong báo cáo đánh giá tác động, Chính phủ cho biết, theo quy định tại khoản 6 Luật thuế TTĐB thì đối với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất bán ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người nộp thuế bao gồm cả cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, đều thành lập cơ sở thương mại là công ty con (100% vốn hoặc chiếm đại đa số cổ phần chi phối).

Những công ty con này mua toàn bộ sản phẩm của các nhà máy sản xuất cũng là công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở thương mại. Sau đó công ty con tiếp tục bán hàng cho các nhà phân phối hoặc đại lý bán buôn độc lập để phân phối ra thị trường. Trên cơ sở đó, các cơ sở sản xuất đã khai giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất.

Đối chiếu với thực tế hệ thống sản xuất, kinh doanh phân phối của nhiều công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con thì hàng hóa dù được nhiều công ty con sản xuất dưới mọi hình thức (gia công, hợp tác, đặt hàng), sau đó giao lại cho công ty mẹ hay một công ty con thương mại trong quan hệ liên kết này mà có dấu hiệu chuyển giá để giảm nghĩa vụ thuế TTĐB thì chưa phải là bán ra để tính thuế vì quyền sở hữu, quyền định đoạt vẫn thuộc về công ty mẹ.

Vì vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra; trường hợp giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra không theo giá thị trường thì cơ quan thuế ấn định giá tính thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Qua rà soát, việc sửa đổi quy định giá tính thuế TTĐB đối với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại theo giá tính thuế mới dự kiến làm tăng thuế TTĐB phải nộp so với số dự kiến năm 2015 với các mặt hàng khoảng 1.090 tỷ (trong đó đối với rượu bia tăng 650 tỷ đồng, đối với thuốc lá tăng 440 tỷ đồng).

Đối với sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay chủ yếu được bán qua các đại lý của Công ty, do đó số thuế TTĐB không ảnh hưởng nhiều. Còn với ô tô nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB của ô tô được quy định không thấp hơn so 105% so với giá vốn xe nhập khẩu, số thuế TTĐB thu ở khâu thương mại trong nước (tăng tương ứng với 5% giá vốn hàng nhập khẩu của ô tô) là 340 tỷ đồng/năm (nếu tính từ ngày 01/7/2016 thì thuế TTĐB năm 2016 tăng 170 tỷ đồng).

Bích Diệp

Chặn "chiêu bài" lập công ty con cháu để chuyển giá, trốn thuế - 2