Doanh nghiệp cố giữ giá bất động sản để chờ… giải cứu?

(Dân trí) - “Số lượng căn hộ hiện đủ nhu cầu đến năm 2050, ế đọng mà giá bán không giảm đáng kể. Hiện có những thế lực đang cố kìm giữ giá để trông cậy vào sự giải cứu của nhà nước” - Chủ tịch tập đoàn than khoáng sản "truy" Bộ trưởng Xây dựng.

Phiên giải trình của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước UB Kinh tế của Quốc hội hôm nay (24/1) ghi nhận nhiều câu hỏi gai góc, những câu trả lời “sòng phẳng”, cầu thị.

Giải quyết tồn kho – gỡ được cục máu đông nhưng mạch vẫn xơ vữa

Ủy viên UB các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá trích dẫn báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận nguyên nhân dẫn đến hậu quả bong bóng bất động sản hiện nay là vì thị trường phát triển thiếu minh mạch. Bà Khá truy, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng đến đâu, trách nhiệm của các bộ ngành liên quan ở mức độ nào?
Bộ trưởng Xây dựng: Chúng tôi cũng mong có thuốc liều lượng mạnh hơn.
Bộ trưởng Xây dựng: "Chúng tôi cũng mong có thuốc liều lượng mạnh hơn".

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng xác nhận trách nhiệm về việc này thuộc cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Xây dựng với trách nhiệm cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý kinh doanh bất động sản có trách nhiệm trong việc kiểm tra kiểm soát thực hiện quy hoạch như việc cấp đất, phê duyệt dự án, kinh doanh…

Tuy nhiên, phần “can dự” của các địa phương, theo ông Dũng, cũng đáng để nói khi thống kê cho thấy hơn 3000 dự án bất động sản hiện nay hầu hết do các địa phương tự quyết định, chịu trách nhiệm. Chỉ 34/3000 (quy mô trên 200 ha) dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.

Ủy viên UB Kinh tế, nguyên Thống đốc NHNN Cao sỹ Kiêm đánh giá giải pháp giải quyết hàng tồn kho bất động sản để tháo gỡ thị trường đã cụ thể, rõ ràng, vấn đề là việc triển khai có được như mong muốn, các số liệu làm cơ sở xây dựng chính sách có đủ sức tin cậy, năng lượng tạo ra có đủ sức đánh tan “cục máu đông” này?

“Tồn kho giải quyết được cũng chỉ ở phần ngọn, phần gốc là hướng phát triển tiếp theo cho thị trường thế nào vì giải quyết được cục máu đông nhưng thành mạch vẫn xơ vữa, mỡ máu vẫn cao thì chẳng mấy chốc lại hình thành những cục máu đông khác bít đường luân chuyển. Bộ trưởng làm sao để chặn được đầu cơ, vống giá tồn tại như vừa qua thì mới lành mạnh được mạch máu, giúp cơ thể khỏe mạnh”, ông Kiêm ví von.

Bộ trưởng Xây dựng “gật đầu” với nhận định gỡ băng thị trường là việc cần thiết lúc này nhưng rất khó. Cố gắng của Bộ xây dựng, trước hết tập trung vào việc giải quyết tồn kho, sẽ từng bước gỡ khó cho thị trường nhưng “không thể yêu cầu ngay được”.

Việc tháo gỡ về lâu dài, theo ông Dũng, nguyên tắc cao nhất là cấn đối cung cầu. Điểm mới trong kế hoạch giải cứu lần này là gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Chiến lược này phân rõ 2 nhóm thị trường cần điều chỉnh là nhà ở thương mại sẽ để thị trường điều tiết và nhà ở xã hội (nhà ở phi hàng hóa) cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Bộ cũng nêu rõ 8 nhóm đối tượng cần được hỗ trợ, vì mục tiêu ai cũng có nhà ở để điều chỉnh thị trường dựa trên nhu cầu có thực của xã hội, không để thị trường phát triển theo hướng “tùy hứng”.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân giao nhiệm vụ giải cứu bất động sản cho Bộ trưởng Xây dựng.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân giao nhiệm vụ giải cứu bất động sản cho Bộ trưởng Xây dựng.

“Tôi tin đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà vừa giúp tháo gỡ cho hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu cũng như lo cho người có nhu cầu” – ông Dũng quả quyết. Về sức mạnh của giải pháp, ông Dũng giải thích, thực tế Bộ còn muốn có “liều lượng” mạnh hơn nữa nhưng tiềm lực kinh tế đất nước có giới hạn.

Về yêu cầu quản lý để chặn đầu cơ, ông Dũng phân tích, nếu tập trung bất động sản vào phân khúc nhà ở xã hội, việc quản lý hoạt động này dễ hơn vì cơ quan quản lý chủ động xây dựng được tiêu chí của người mua nhà. Bộ trưởng Xây dựng thông tin thêm, Nghị định về nhà ở xã hội đã được Bộ trình Chính phủ và sẽ ban hành trong thời gian gần.

Việc kiểm soát đầu cơ với các dự án nhà thương mại, ông Dũng trình bày, sẽ tăng cường kiểm tra, nhắm vào các sàn giao dịch những như quy trình vay của nhà đầu tư đối với việc mua lại nhà.

Giải cứu thị trường không phải bảo vệ lợi ích nhóm

Ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ Văn Đương cũng nhận xét, các giải pháp nêu ra chủ yếu mang tính chất “thuốc đông y”, tác dụng sẽ đến chậm, cần điều trị kéo dài, chưa đủ tính chất mạnh mẽ trong khi cơ thể nền kinh tế đang ốm yếu, suy kiệt, khó có khả năng thử thách “đường trường”. Một số điểm nhỏ có dáng dấp mạnh mẽ của tây y như cho phép chia nhỏ căn hộ thì cũng sẽ ít tác động khi thực tế lượng chung cư đang chất chồng như núi, số lượng lớn biệt thự, phân lô, căn hộ liền kề đang ế đọng.

Ông Đương yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng đánh giá tổng thể tác động của các giải pháp, trước hết là với việc giải quyết hàng tồn kho chung cư, đất nền bỏ hoang, biệt thự liền kề mọc rêu, có thể đạt tỷ lệ giải phóng 70-80% hay chỉ 20-30%, không đáng kể. “Việc này cũng liên quan đến xử lý trách nhiệm cơ quan chức năng vì khi lãi khủng thì không ai nói đến người nghèo” – ông Đương truy vấn.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng "than" câu hỏi về kết quả chính sách khó trả lời vì lĩnh vực bất động sản liên quan nhiều ngành, không chỉ một cơ quan, một bộ có thể giải quyết mà cần tổng thể giải pháp của liên ngành, trong đó có tài chính tiền tệ. Việc cơ cấu lại chung cư thương mại để chuyển thành sản phẩm bình dân thì phải tùy điều kiện cụ thể từng dự án với mục đích hướng tới nhu cầu đông đảo người dân, không làm để phục vụ nhóm ít đối tượng.
 
Đại biểu truy vấn Bộ trưởng Xây dựng trong phiên giải trình.
Đại biểu truy vấn Bộ trưởng Xây dựng trong phiên giải trình.

Với lo lắng của đại biểu về hệ quả việc chia nhỏ chung cư sẽ đẻ ra những khu nhà ổ chuột ở đô thị, ông Dũng loại trừ ngay. Khái niệm nhà ổ chuột, theo ông Dũng, gắn liền với hình ảnh xập xệ, chất lượng thấp, hạ tầng, môi trường kém. Như vậy, căn hộ diện tích nhỏ nhưng chất lượng tốt không thể nói là ổ chuột. Bộ trưởng Xây dựng dẫn chứng, các nước phát triển hiện vẫn có những dự án làm căn hộ rất nhỏ, thậm chí chỉ 10-15m2 nhưng rất hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu ở trung tâm đô thị.

Ông Dũng thông tin thêm, hiện đã có nhiều DN, nhất là ở TPHCM, chủ động xin được cơ cấu lại dự án, thiết kế để cho ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, việc này phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý để tránh tập trung dân, gây áp lực lên hạ tầng khu vực.

Ủy viên UB Kinh tế, Chủ tịch tập đoàn than khoáng sản (Vinacomin) Trần Xuân Hòa “bồi” thêm ý chất vấn của ông Đương về chủ trương, trách nhiệm khi đặt vấn đề giải cứu bất động sản. Theo ông Hòa, băng ở thị trường này có một phần vốn nhà đầu tư nước ngoài, người đầu cơ trục lợi, có nên đặt vấn đề giải cứu hay cần coi là sự điều chỉnh tất yếu trong xã hội.

Ông Hòa cũng nêu nghi vấn hiện có những thế lực đang cố kìm giữ giá căn hộ để trông cậy vào sự giải cứu của nhà nước khi mà thống kê số lượng căn hộ xây dựng hiện đã đủ nhu cầu cho đến năm 2050 mà giá bán vẫn không giảm đáng kể dù ế đọng, khó khăn.

Bộ trưởng Xây dựng lý giải, thị trường đóng băng ở TPHCM và khu vực phía Nam xảy ra trước miền Bắc, từ năm 2008 đến nay, nên mức giảm giá mạnh hơn. Giá bất động sản tại Hà Nội hiện giảm được ít nhất 5%, đất nền có dự án giảm tới 50% (từ 200 triệu đồng xuống còn 100 triệu đồng/m2), chung cư giảm 15-29%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận, mức giảm chưa phù hợp, nhà đầu tư vẫn lãi cao.

Ủy viên UB Lê Nam cũng yêu cầu bóc tách phần hệ quả của hoạt động đầu cơ chộp giật, đẩy giá, thậm chí là tham nhũng trong khối băng bất động sản vì nhà nước không “gánh” hết lượng hàng tồn kho trong thị trường. Trong trường hợp đó, theo ông Nam, để thị trường tự giải quyết sẽ có lợi cho người dân hơn. Nhà nước cố sức gánh nhưng không đủ tiềm lực, khả năng sẽ chỉ càng làm kéo dài thêm những bức bối của bất động sản hiện nay.

Ông Dũng cũng đồng tình với nhận định của đại biểu về yếu tố đầu cơ nâng giá. Vì chi phí đầu tư hiện vẫn còn yếu tố chưa rõ, không thể tính hết nên cơ quan quản lý chỉ dự báo, bóc gỡ được 1 khoản tương đối.

Cũng ở góc độ này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng lý giải khúc mắc của đại biểu Bùi Văn Phương về việc chính sách giải cứu có bảo vệ “lợi ích nhóm”. Ông Dũng khẳng định các giải pháp đưa ra hoàn toàn vì mục đích gỡ khó cho nền kinh tế. Tìm ra điểm nghẽn của nền kinh tế nằm ở bất động sản thì cần can thiệp để cân bằng lại cung cầu. Bảo vệ lợi ích doanh nghiệp cũng là vì lợi ích của xã hội, của người dân vì doanh nghiệp có tiếp tục sản xuất mới làm ra sản phẩm, giá trị, đóng thuế, giải quyết việc làm…

P.Thảo